Nhằm siết chặt nền kinh tế Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các câu lạc bộ Bảo vệ và Bồi thường (P&I) nhằm hạn chế khả năng vận chuyển năng lượng và hạn chế giá dầu của Nga, theo hãng tin Reuters.
Trên tờ Asia Times, GS Robert Huish - phó giáo sư về nghiên cứu phát triển quốc tế tại Đại học Dalhousie (Canada) nhận định bước đi này cho thấy Mỹ và đồng minh cuối cùng đã đi bước quan trọng trong trừng phạt Nga.
|
Tàu chở dầu Minerva Virgo của Nga cập cảng New York (Mỹ) hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS |
Các câu lạc bộ P&I là các nhóm bảo hiểm hàng hải chuyên bảo vệ chủ tàu và bên khai thác tàu trước các trách nhiệm dân sự có thể phát sinh đối với bên thứ ba trong quá trình kinh doanh, khai thác tàu biển. Bảo hiểm P&I là bắt buộc đối với tất cả các tàu chở hàng nặng và container. Theo lệnh trừng phạt mới, các câu lạc bộ P&I châu Âu không thể cung cấp bảo hiểm cho các tàu Nga vận chuyển dầu với giá cao hơn 60 USD/thùng.
Tại sao trừng phạt ngành hàng hải Nga quan trọng với phương Tây?
Kể từ tháng 2, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt từng phần đối với Moscow, bao gồm cấm nhập khẩu sản phẩm từ Nga và trừng phạt các cá nhân thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này không thật sự hiệu quả. Theo GS Huish, tàu là phương tiện hữu hiệu để vận chuyển mua bán mọi thứ, và việc dễ dãi với năng lực hàng hải của Nga là một sai lầm đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng minh châu Âu.
|
Một tàu chở khí tự nhiên lỏng của Nga cập cảng Saint-Nazaire (Pháp) hồi tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES |
Kể từ tháng 2, chỉ có 113 trong số 3.300 tàu hàng hải Nga bị hạn chế hoạt động. Lý do là vì các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ áp dụng lên những tàu treo cờ Nga. Các tàu như vậy ngay sau đó đã chuyển sang mang cờ phương tiện.
Theo quy định của luật quốc tế, tàu hoạt động trên biển phải được đăng ký tại một quốc gia và tàu đăng ký ở quốc gia nào sẽ mang quốc tịch của quốc gia đó. Tàu của nước nào đăng ký và treo cờ nước đó được gọi là tàu treo cờ bình thường. Ngược lại, tàu nước này nhưng lại đăng ký tại nước khác và treo cờ nước đó thì được gọi là tàu treo cờ phương tiện.
Nhằm lách luật, nhiều tàu ở các nước phát triển đã đăng ký mang cờ của các quốc gia thu ít thuế và không kiểm tra điều kiện làm việc trên tàu để đổi lấy lợi ích. Đây là lý do tại sao các quốc gia chậm phát triển hơn như Panama, Liberia và Quần đảo Marshall vận chuyển nhiều hàng hóa hơn các quốc gia như Mỹ và Canada.
Từng có nhiều vụ buôn lậu hàng cấm quy mô lớn bằng đường biển. Việc kiểm tra các lô hàng nông sản thường không được quản lý chặt chẽ, vì đây là những sản phẩm dễ hư hỏng nên các quan chức hải quan luôn muốn thông quan càng nhanh càng tốt. Mới đây, 8 tấn cocaine trị giá hơn 207 triệu USD đã được phát hiện trong một lô hàng chở chuối đến Bỉ.
Theo đó, việc chỉ hạn chế hoạt động của 3% toàn bộ hạm đội thương mại của Nga trong những tháng đầu tiên của xung đột Ukraine được đánh giá là bước đi dễ dãi của phương Tây.
Tại sao không trừng phạt các nước cấp phép cờ phương tiện?
Câu trả lời là các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ ảnh hưởng hoạt động của hàng trăm triệu tấn hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu điều này xảy ra. Điều này lý giải tại sao việc áp đặt trừng phạt vào các công ty bảo hiểm bồi thường và bảo vệ hàng hải là lựa chọn thông minh.
Bảo hiểm P&I là bắt buộc đối với mọi con tàu khi vào cảng để dỡ hàng. Bảo hiểm sẽ chi trả trong các trường hợp tàu bị ảnh hưởng do thiên tai, tai nạn, hư hỏng tại bến tàu và tràn dầu. Các tàu mua bảo hiểm này sẽ được hỗ trợ hàng trăm triệu USD để xử lý thiệt hại.
Dù công nghệ hiện đại đã giảm thiểu rủi ro cho các tàu hàng hải, mọi con tàu đều phải có bảo hiểm P&I. Nhờ đó, việc kiểm soát các tàu không trung thực cũng được thực hiện dễ dàng hơn.
Các tiền lệ trong quá khứ
Năm 2012, EU đã từ chối cấp bảo hiểm P&I cho Iran. Chỉ sau vài giờ, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Tehran đã bị đóng băng trên toàn cầu. Năm 2017, hoạt động hàng hải của Triều Tiên cũng bị Mỹ và châu Âu làm tê liệt theo cách tương tự.
Giờ đây, các biện pháp trừng phạt tương tự đang có hiệu lực đối với Nga, hoạt động của toàn bộ 3.300 tàu được Nga đang bị đình trệ. Việc này đang đang gây tắc nghẽn giao thông xung quanh eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhiều tàu khác vẫn chưa thể cập bến và hiện đang lênh đênh ở khu vực gần TP cảng Vladivostok của Nga.
Theo GS Huish, bước đi lần này của phương Tây vẫn tồn đọng một vấn đề. Việc áp đặt giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga sẽ thúc đẩy các hoạt động buôn lậu dầu. Theo ông, một biện pháp kiểm soát bảo hiểm P&I toàn diện hơn chắc chắn sẽ giáng một một đòn mạnh vào kinh tế Nga.
Theo GS Huish, cách này cho thấy các chính phủ phương Tây đã quyết liệt hơn khi áp đặt trừng phạt, vì đã nhắm trừng phạt môi trường mà mục tiêu hoạt động, thay vì trừng phạt mục tiêu.