Trung Quốc bố trí công sự phòng không

Ngày 15-12, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã lên án Bắc Kinh sau khi Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ công bố hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc đã bố trí vũ khí trên bảy đảo nhân tạo ở biển Đông.

Trong thông báo gửi cho hãng tin Fairfax Media (Úc) không nêu đích danh Trung Quốc, Ngoại trưởng Julie Bishop nhận xét: “Xây đảo nhân tạo và hành động quân sự hóa đang tạo ra không khí căng thẳng và nghi kỵ giữa các nước tranh chấp và các nước khác trong khu vực”.

Bà kêu gọi: “Chúng tôi khuyến khích các nước tranh chấp kiềm chế mọi hành vi cưỡng bức và mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trong các khu vực tranh chấp”.

Trước đó, ngày 14-12 (giờ địa phương), AMTI đã công bố báo cáo cho biết từ tháng 6 đã theo dõi quá trình xây dựng các cấu trúc lục giác trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Su Bi.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy pháo phòng không và hệ thống đánh gần trên đảo nhân tạo Gạc Ma. Ảnh: AMTI

Sau đó, hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng 11 cho thấy các cấu trúc này chính là công sự giống các công sự được xây dựng trên bốn đảo nhân tạo nhỏ hơn (đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Châu Viên).

Báo cáo khẳng định các cấu trúc đó giống pháo phòng không và hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS) chống tên lửa hành trình.

Cùng ngày 14-12, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã phát biểu trong chuyến thăm Úc: “Tôi đã nêu rõ chúng tôi không chấp nhận các lĩnh vực chung lại bị chiếm một cách đơn phương, bất kể có bao nhiêu cơ sở được xây dựng trên các thực thể nhân tạo ở biển Đông”.

Ông ghi nhận: “Nhiều thách thức quan trọng đã được đặt ra từ nước Nga muốn phục thù và Trung Quốc với hành động hung hăng ngày càng tăng”.

Ông nhắc lại cam kết của Mỹ về bảo đảm các vùng biển mở và tự do hàng hải ở biển Đông.

Ông xác định Mỹ sẽ tiếp tục là tác nhân quan trọng trong khu vực và lợi ích bền vững của Mỹ không thay đổi sau ngày tổng thống Mỹ nhậm chức.

Ông tiết lộ Mỹ và Úc sẽ bắt đầu triển khai máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-22 Raptor đến Bắc Úc vào năm 2017 trong khuôn khổ sáng kiến Hợp tác tăng cường không quân (EAC) giữa Mỹ và Úc.

Từ năm tới, không quân hoàng gia Úc cũng sẽ bắt đầu tham gia huấn luyện trên máy bay F-22 Raptor tại Úc.

F-22 Raptor là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ. Triển khai F-22 Raptor là một phần trong thỏa thuận đã được Đô đốc Harry Harris ký kết với nguyên soái Mark Binskin, tư lệnh không quân Úc.

Báo Sydney Morning Herald (Úc) ghi nhận Bắc Úc là khu vực sống còn vì ngoài tầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và là trục bản lề giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Euan Graham, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lowy, đánh giá sự hiện diện của máy bay F-22 Raptor là thông điệp đối với hành động cưỡng bức của Trung Quốc và mang ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Đô đốc Harry Harris tuyên bố triển khai máy bay F-22 Raptor đến Úc một tuần sau khi Trung Quốc điều một máy bay ném bom hạt nhân H-6 bay dọc “đường chín đoạn” trên biển Đông.

Ngày 15-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khăng khăng cho rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng “thiết bị phòng thủ” trên các đảo nhân tạo ở biển Đông mà Trung Quốc tự nhận thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Chuyên gia Malcolm Davis ở Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định: “Vấn đề sắp tới để xem Trung Quốc có triển khai các hệ thống đánh chặn máy bay trên các cơ sở này hay không”.

_______________________

Đây là lần đầu tiên chúng tôi tin rằng đó là súng phòng không và hệ thống vũ khí đánh gần… Đây là hành động quân sự hóa. Trung Quốc có thể lập luận chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Tuy nhiên, khi bạn đã bố trí súng phòng không và hệ thống vũ khí đánh gần tức là bạn đã chuẩn bị xung đột trong tương lai.

Giám đốc AMTI GREG POLING

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm