Sân bay trên đá Chữ Thập sẽ vô dụng

Kết quả phân tích đăng trên báo Trung Quốc đã đánh giá các đường băng Trung Quốc mới xây dựng trên các đá ở biển Đông sẽ gặp nhiều trở ngại lớn.

PGS Lyle J. Goldstein ở Viện nghiên cứu về hàng hải Trung Quốc (Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ) ghi nhận như trên trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest ngày 28-11 (giờ địa phương).

Bài viết dẫn chứng tạp chí Hải quân và Tàu buôn của Trung Quốc số tháng 6-2016 đã đăng một ảnh đồ họa màu cho thấy ba đường băng mới xây dựng từ năm 2014 ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Bên cạnh đó là các vòng bán kính hoạt động của các dàn tên lửa phòng không HQ-9 (200 km), tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 (300 km), máy bay tiêm kích/ném bom J-11 và JH-7 (1.500 km).

Ngoài ra còn có ảnh tàu sân bay bốc cháy do trúng tên lửa hành trình bắn đi từ tàu khu trục Trung Quốc và các dàn pháo trên bờ. Chú thích ảnh ghi chú mỗi thực thể đá có thể yểm trợ hỏa lực cho nhau.

Sân bay trên đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền của Việt Nam) không có giá trị về mặt quân sự. Ảnh: Digital Globe

Ít lâu sau, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Mỹ) đã công bố báo cáo cho thấy nhiều nhà để máy bay đang được xây dựng trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Mỗi thực thể có một nhà để máy bay đủ chỗ cho 24 máy bay tiêm kích và 3-4 máy bay lớn hơn.

Với các bằng chứng nêu trên, điều đáng ngạc nhiên là duy nhất chỉ có một máy bay quân sự Trung Quốc bay đến các đá vào mùa xuân 2016 để vận chuyển công nhân mắc bệnh. Lý do vì sao?

PGS Lyle J. Goldstein ghi nhận tạp chí Tàu hiện đại của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc số tháng 6-2016 đã đăng một bài phân tích với đầu đề “Giá trị của căn cứ không quân trên đảo Chữ Thập”.

Tác giả đánh giá giá trị của sân bay qua năm câu hỏi: Đường băng có phù hợp không? Thiết bị hàng không có hiện đại không? Điều kiện khí hậu có thuận lợi không? Có không gian để máy bay thích hợp không? Nguồn lực bảo trì có sẵn sàng không?

Kết quả phân tích nhận xét sân bay trên đá Chữ Thập còn nhiều khiếm khuyết sau đây:

Nhiều hạng mục quan trọng chưa được xây dựng như ánh sáng sân bay, radar, đèn hiệu hàng không.

Hằng năm có nhiều cơn bão đổ bộ nên sân bay chắc chắn sẽ không được sử dụng thường xuyên và ngay cả lúc sử dụng cũng sẽ rất khó khăn.

 Về hậu cần sẽ có nhiều khó khăn trong bảo trì máy bay và vũ khí trong môi trường có hàm lượng muối cao, độ ẩm cao và nhiệt độ cao.

Với các trở ngại kể trên, đá Chữ Thập không thích hợp để dùng làm căn cứ thường xuyên của các phi đội máy bay nhỏ.

Về không gian và bảo trì, thật ra đá Chữ Thập có thể tiếp nhận tối đa hai máy bay vận tải Il-76, ba máy bay ném bom H-6, ba máy bay vận tải trung bình và sáu máy bay tiêm kích.

Tuy nhiên, điều máy bay ném bom đến đá Chữ Thập là vô ích và không phù hợp các nguyên tắc tác chiến. Đá Chữ Thập chỉ thích hợp để triển khai trực thăng và máy bay không người lái.

Kết quả phân tích cho rằng khả năng cuối cùng dành cho sân bay đá Chữ Thập là sáu máy bay không người lái, hai máy bay trực thăng, 20 máy bay chiến đấu và bốn máy bay vận tải.

Dù vậy, lực lượng này không thể hoạt động lâu dài vì các cơ sở cố định thường dễ bị tấn công.

Bài viết kết luận cách hợp lý nhất là biến đá Chữ Thập thành địa điểm yểm trợ như điểm tiếp nhiên liệu để mở rộng bán kính hoạt động của máy bay từ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, trong thời chiến công tác cung cấp bằng đường biển cho các thực thể đá có thể bị cắt đứt. Lúc đó đá Chữ Thập có thể sẽ hoàn toàn bị tê liệt.

________________________________

Dường như các nhà chiến lược Trung Quốc muốn dàn dựng căn cứ mới trên các đá để chụp ảnh chứ chúng không có giá trị chiến đấu thực sự.

PGS LYLE J. GOLDSTEIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm