Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) ngày 15-6 đưa tin Đô đốc Quan Hữu Phi, Giám đốc Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã chủ trì cuộc họp báo về chuyến thăm Mỹ của tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong sáu ngày từ ngày 8-6.
Ông Quan Hữu Phi giải thích mục tiêu chính trong chuyến thăm Mỹ của tướng Phạm là thiết lập bầu không khí tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 9.
Tướng Phạm đã nhấn mạnh chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ song phương, vậy nên hai nước phải nỗ lực bảo đảm chuyến thăm thành công.
Ông Quan Hữu Phi cho biết hai bên đã thảo luận về bản phụ lục về đụng độ trên không liên quan đến hai cơ chế về tin tưởng lẫn nhau đã được nhất trí hồi năm ngoái. Đó là Cơ chế về tin tưởng lẫn nhau trong các chiến dịch quân sự lớn và Quy tắc ứng xử an toàn khi đụng độ trên không và trên biển.
Các đại diện của quân đội Mỹ và Trung Quốc ký kết Cơ chế đối thoại giữa hai quân đội hôm 12-6 tại Washington. Ảnh: THX
Hai bên đã cam kết sẽ ký kết phụ lục nêu trên trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Quan Hữu Phi cho biết tướng Phạm Trường Long đã đề nghị ba sáng kiến xây dựng mô hình mới về quan hệ quân sự song phương Trung-Mỹ dựa trên lòng tin lẫn nhau, hợp tác, không xâm lược và bền vững.
Ba sáng kiến đó như sau:
Hai bên tăng cường trao đổi quân sự ở cấp cao để cải thiện tình hình thông hiểu nhau hơn và thông tin với nhau. Trên tinh thần đó, Trung Quốc đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, sang thăm Trung Quốc.
Hai quân đội tăng cường hợp tác thực tiễn và ủng hộ các cơ chế làm việc hiện nay. Bằng chứng là tướng Phạm và Đại tướng Raymond Odierno, tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đã tham dự lễ ký kết Cơ chế đối thoại giữa hai quân đội hôm 12-6 tại Washington.
Tướng Phạm đề nghị hai quân đội tập trận chung hoặc diễn tập bộ binh vào năm tới để làm dự án điểm cho quá trình hợp tác và tiến hành vài cuộc diễn tập về thực hiện Quy tắc ứng xử an toàn khi đụng độ trên không.
Quản lý các nguy cơ để tránh hiểu nhầm và phán đoán sai lầm giữa hai quân đội. Do đó, từ nay đến tháng 8 hai bên nỗ lực hoàn tất tham vấn về Quy tắc ứng xử an toàn khi đụng độ trên không và trên biển.
Ông Quan Hữu Phi thông báo Mỹ vẫn mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương vào năm 2016.
Về vấn đề biển Đông, tướng Phạm đã đề nghị Mỹ giảm hoạt động quân sự ở biển Đông và vẫn bám luận điệu cũ là xây dựng các đảo, đá nhằm mục đích dân sự.
Tuy nhiên, như báo chí Mỹ đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp dừng cải tạo đất, ngừng quân sự hóa thêm nữa ở biển Đông, tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Triệu Hiểu Trác ở Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc lưu ý dù Mỹ cứng rắn về vấn đề biển Đông nhưng tướng Phạm vẫn đi Mỹ và kế hoạch ký kết Cơ chế đối thoại giữa hai quân đội vẫn không bị ngăn trở.
Ông cho rằng nguyên do vì hiện nay Bắc Kinh có nhiều cách đáp trả hơn so với quá khứ.
Nhân Dân Nhật Báo ngày 15-6 đã đăng bài viết với đầu đề “Trung-Mỹ: Hợp tác quân sự đã được củng cố”. Báo viết nhắc đến sự kiện Mỹ và Trung Quốc ký kết Cơ chế đối thoại giữa hai quân đội. Báo dẫn lời các chuyên gia ghi nhận sự kiện này đã được chờ đợi từ lâu và thể hiện bước nhảy vọt trong quan hệ hai nước. Đây là văn bản hợp tác đầu tiên được quân đội hai nước ký kết. _____________________________________ Mỹ hoàn toàn nhất trí với các sáng kiến của Trung Quốc về nỗ lực chung để cải thiện quan hệ Mỹ-Trung và thiết lập môi trường an ninh tốt hơn ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER |