Reuters đưa tin, bản diễn giải trên không trực tiếp đề cập biển Đông hay phán quyết từ Tòa Trọng tài ngày 12-7, song tự cho rằng bản diễn giải phù hợp với luật pháp Trung Quốc lẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
"Sức mạnh tư pháp là thành phần quan trọng trong chủ quyền quốc gia", Tòa án Tối cao Trung Quốc cho biết. "Các tòa án nhân dân sẽ tích cực thực hiện quyền tài phán đối với các vùng lãnh hải của Trung Quốc, hỗ trợ cơ quan hành chính quản lý trên biển về mặt pháp lý... và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc".
Ngư dân tại bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Các vùng biển có quyền tài phán trong bản diễn giải của Trung Quốc bao gồm vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo Reuters.
Tòa án Tối cao Trung Quốc cho hay những ai đi trái phép vào lãnh hải Trung Quốc và từ chối rời đi khi bị đuổi hoặc tiếp tục xâm phạm trở lại sau khi bị đuổi sẽ được coi là phạm tội hình sự "nghiêm trọng" và lĩnh án tù một năm.
"Cách giải thích này tạo ra sự đảm bảo về mặt pháp lý cho việc thực thi luật đánh bắt cá trên biển" - Tòa án Tối cao Trung Quốc nói thêm.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích biển Đông bằng yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” mà nước này cũng tự vẽ ra trong khu vực.
Hôm 12-7, Tòa trọng tài đã ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của yêu sách chủ quyền trên. Tòa còn kết luận không có thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa (đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho nước này.