Theo Quartz, thời điểm này cơn bão Nida đã đi chuyển qua biển Đông sau khi càn quét Philippines cuối tuần qua. Trong ngày 2-8, bão Nida đã đổ bộ vào Hong Kong với sức gió lên đến 100 km/giờ khiến nhiều vùng thấp đang trong tình trạng báo động lũ lụt. Bão Nida tiến dần đến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Tờ báo cho hay các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở biển Đông có thể sẽ oằn mình hứng chịu cơn bão và bị sức mạnh của bão thổi bay.
Bão có thể thổi bay đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Đó là bởi vì vài năm trước, Trung Quốc hấp tấp xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông với nhiều tòa nhà, đường băng, hải đăng và thậm chí một trang trại để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở khu vực này.
Những hoạt động cải tạo, xây dựng cùng các công trình này đã bị lên án trong phán quyết mà Tòa Trọng tài đưa ra hôm 12-7, bác yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này. Bắc Kinh đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, tờ Quartz bình luận Bắc Kinh có thể trắng trợn không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài nhưng có thể không chống chọi nổi trước sức mạnh của các trận bão, sóng lớn và nước biển dâng khi cố xây dựng các cơ sở hạ tầng trên những vỉa đá ngầm mong manh dễ bị phá hủy ở biển Đông.
Một ví dụ rõ ràng, hình ảnh vệ tinh cho thấy chỉ vài tháng sau khi xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập ở Trường Sa, Trung Quốc đã phải cho tu sửa một góc đảo.
Đây chính là một thách thức đối với các cơ sở hạ tầng như vậy. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn là các rạn san hô thường là thực thể “lãnh đủ” sức mạnh từ các đợt sóng lớn và bất kỳ thứ gì được xây dựng trên nền của nó đều “cùng chung số phận” với nó.
Một nghiên cứu của tạp chí Nature Communications công bố năm 2014 cho thấy các rạn san hô có lợi ích rất lớn trong việc giảm thiểu thiên tai cho cư dân ven biển. Cụ thể, trung bình các rạn san hô có thể làm giảm 97% sức mạnh của sóng. Trong khi đó, phần đỉnh rạn san hô hay cạnh hướng ra biển của rạn san hô giúp “đánh tan” khoảng 86% sức mạnh của sóng.
Hơn nữa, một khi nước biển dâng, các rạn san hô bị phá hủy có thể không còn khả năng thực hiện các điều chỉnh tự nhiên và khiến các công trình xây dựng bên trên bề mặt trở nên suy yếu.
Đá Chữ Thập ở Trường Sa, biển Đông. Ảnh: BBC
Những tháng mùa hè là thời điểm trong năm biển Đông thường hứng các trận bão hoặc siêu bão. Chẳng hạn, một thực thể như đá Chữ thập vốn được đánh giá không chắc chắn trong điều kiện bình thường. Nếu một siêu bão với sức gió 185 km/giờ và sóng cao tới 6 m quét qua, nó có thể thổi bay các công trình nhân tạo hoặc ít nhất là gây hư hại nghiêm trọng đảo nhân tạo này.
Nhiều cấu trúc trên đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép đang phải đối mặt với cơn bão đầu tiên trong mùa.