Đây là hai kịch bản do GS Hugh White ở ĐH Quốc gia Úc nêu trong bài viết “Biển Đông sau phán quyết The Hague, chuyện gì xảy ra tiếp?”, đăng trên báo The Straits Times (Singapore) ngày 28-6.
GS Hugh White đã nêu hai kịch bản. Một là Trung Quốc chẳng làm gì để phản ứng với phán quyết trọng tài và chỉ ra tuyên bố với từ ngữ mạnh mẽ phản đối. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không ngừng các hoạt động và không lập tức mở rộng sự hiện diện hoặc củng cố vị trí trên khu vực tranh chấp.
Trong trường hợp này, vì không có hành vi khiêu khích của Trung Quốc nên khó có thể biết Mỹ làm gì với lực lượng quân sự đã triển khai rầm rộ. Mỹ đã triển khai quân sự đến biển Đông, như gần đây điều động hai tàu sân bay đến Philippines để đề phòng Bắc Kinh gây bất ổn bằng quân sự.
Ở kịch bản thứ hai, Trung Quốc phản ứng mạnh hơn. Ví dụ Trung Quốc sẽ tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hoặc khởi công xây đảo nhân tạo và lập căn cứ mới trên bãi cạn Scarborough (Philippines).
Mỹ đã nghiêm khắc cảnh cáo Trung Quốc chớ nên thực hiện các hành động này và Mỹ triển khai quân sự lớn rõ ràng nhằm chứng minh cho lời cảnh cáo đó. Xem ra Mỹ muốn phát thông điệp sẵn sàng phản ứng quân sự trước bất kỳ hành vi bành trướng nào của Trung Quốc ở biển Đông.
GS Hugh White nhận định kiểu dọa nạt công khai này từng có hiệu quả hồi 20 năm trước ở eo biển Đài Loan. Nhưng hồi ấy Trung Quốc không có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ và khó xử lý cái giá kinh tế phải trả nếu đổ vỡ quan hệ Mỹ-Trung.
Thời thế nay đã khác, Trung Quốc đã mạnh về kinh tế và quân sự, bất kỳ xung đột quân sự nào giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ dẫn đến các nguy cơ chiến lược không thể tính toán được cùng cái giá phải trả về kinh tế.
Khó thể tưởng tượng Tổng thống Obama chấp nhận nguy cơ và tổn thất, đồng thời tân tổng thống mới ở Mỹ lại chấp nhận đem bất an đến Washington. Điều này có nghĩa chiêu triển khai quân sự của Mỹ chỉ có thể là đòn hù dọa.
Một câu hỏi được đặt ra: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cáo buộc Mỹ bịp bợm và gia tăng hành động khiêu khích? Khi ấy Mỹ sẽ đối mặt với lựa chọn khó khăn: Hoặc rút sự hiện diện quân sự thì đấy là công nhận ưu thế trong khu vực của Trung Quốc và đi kèm là hành động yếu ớt của lãnh đạo Mỹ. Hoặc Mỹ lao vào một cuộc xung đột vũ trang có nguy cơ bùng nổ thành xung đột lớn.
Vậy liệu Bắc Kinh sẽ liều lĩnh gọi Mỹ bịp bợm? GS Hugh White kết luận: “Chúng ta hãy hy vọng là không nhưng vẫn có khả năng đó và vì thế khiến tình hình càng trở nên cực kỳ nguy hiểm”.