“Trung Quốc rất không hài lòng và quyết liệt phản đối những hành động sai trái của các cơ quan hữu quan Tây Ban Nha. Họ đưa ra những hành động này bất chấp lập trường của chúng tôi” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Danh phát biểu.
Theo AFP ngày 11-2, bà Hoa Xuân Danh kêu gọi Chính phủ Tây Ban Nha “xem xét kỹ lưỡng mưu toan chia rẽ đất nước của nhóm Dalai” [ám chỉ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma - thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng].
“Tôi cho rằng sự vụ lần này làm quan ngại đến quan hệ song phương giữa hai nước. Do vậy chúng tôi hi vọng Chính phủ Tây Ban Nha giải quyết vấn đề này một cách phù hợp và nói lên lẽ phải từ những [cáo buộc] sai trái” - bà Hoa cho biết.
Trước đó ngày 10-2, thẩm phán tòa án tối cao Tây Ban Nha Ismael Moreno yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với năm cựu quan chức cấp cao trên do tình nghi họ có liên quan đến diệt chủng, tra tấn và các tội ác chống lại loài người khác.
“Ông Giang giám sát những người trực tiếp gây ra những tội ác trên. Do vậy ông ấy phải chịu trách nhiệm cho các hành động tra tấn và những tội danh vi phạm nhân quyền khác mà thuộc cấp của ông gây ra đối với người Tây Tạng” - thẩm phán Moreno ghi trong cáo trạng.
Vào tháng 11-2013, tòa án tối cao Tây Ban Nha đã chấp nhận luận cứ của các tổ chức nhân quyền ủng hộ người Tây Tạng cho rằng vai trò của ông Giang Trạch Dân, cựu thủ tướng Lý Bằng và ba quan chức khác cần phải được làm rõ trong các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Tây Tạng.
Tây Ban Nha công nhận quy tắc “quyền xét xử phổ quát” trong hệ thống hành pháp của mình. Dựa theo quy tắc này, các thẩm phán được phép xét xử các trường hợp vi phạm nhân quyền ở những quốc gia khác.
Nhưng giới bình luận và quan sát quốc tế cho rằng khó có khả năng ông Giang Trạch Dân xuất hiện ở tòa án Tây Ban Nha.
Theo Quỳnh Trung (TTO)