Các cuộc phỏng vấn với chín quan chức và cựu quan chức Trung Quốc chỉ ra một sự thay đổi suy nghĩ theo hướng có lợi cho đương kim chủ nhân Nhà Trắng, dù ông đã dành nhiều thời gian cầm quyền trong bốn năm qua để đổ lỗi cho Bắc Kinh về mọi thứ từ sự mất cân bằng thương mại của Mỹ tới đại dịch toàn cầu COVID-19.
Lý do chính là Trung Quốc tin rằng lợi ích từ sự xói mòn mạng lưới liên minh sau chiến tranh của Mỹ sẽ có giá trị hơn bất kỳ thiệt hại nào cho Bắc Kinh từ các tranh chấp thương mại liên tục và bất ổn địa chính trị, theo hãng tin Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: USA TODAY
Ông Trump thắng tốt cho Trung Quốc hơn
Trong khi các quan chức chia sẻ chung mối lo ngại rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng bất kể ai ngồi vào Nhà Trắng, họ đã chia thành hai phe, với một bên gồm những người chú trọng đến những lợi ích địa chính trị, còn bên kia lưu tâm đến quan hệ thương mại. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden được xem là một đảng viên Dân chủ truyền thống vốn sẽ tìm cách củng cố các mối quan hệ đa phương của Mỹ và giảm xung đột thương mại.
“Nếu ông Biden thắng cử, tôi nghĩ điều này có thể nguy hiểm hơn đối với Trung Quốc, bởi ông sẽ hợp tác với các đồng minh để nhắm vào Trung Quốc, trong khi ông Trump đang phá hủy các liên minh của Mỹ” - ông Zhou Xiaoming, cựu thương thuyết gia thương mại và cựu phó đại diện Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), nhận định.
Bốn quan chức đương nhiệm đồng tình với quan điểm đó, cho rằng nhiều người trong chính phủ Trung Quốc tin tưởng một chiến thắng của ông Trump có thể giúp ích cho Bắc Kinh bằng cách làm suy yếu những gì họ coi là tài sản lớn nhất của Washington nhằm kiểm soát ảnh hưởng đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Giả định chung củng cố quan điểm của họ là rất ít hành động có thể được thực hiện để ngăn chặn đà tuột dốc trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, các quan chức Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần đẩy nhanh nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp bản địa cao cấp, mở rộng sang các thị trường đang phát triển và tìm cơ hội hợp tác với các nước châu Âu và châu Á để chống lại mọi nỗ lực cô lập của Mỹ.
Bắc Kinh thừa nhận trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump, nỗ lực chống Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ lớn của cả hai đảng tại một Washington bị phân cực. Đợt bùng phát dịch COVID-19, vốn được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, càng khiến quan điểm của Mỹ đối với Bắc Kinh thêm cứng rắn.
“Tôi không cho rằng cuộc bầu cử này sẽ làm thay đổi mối quan hệ (Trung-Mỹ) một cách cơ bản. Một cảm nhận sâu sắc ở Mỹ là Mỹ phải kiềm chế được Trung Quốc. Cho dù ông Trump hay ông Biden thắng, mọi thứ vẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn” - ông Zhou nói.
Theo Bloomberg, dù đảng Cộng hòa có truyền thống chú trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Trump đã xoay đảng này theo hướng thách thức Bắc Kinh trong hầu hết mọi lĩnh vực của mối quan hệ, từ các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đến thương mại, y tế công cộng, nhân quyền và công nghệ.
Phe Dân chủ đã hậu thuẫn phần lớn những nỗ lực này, giúp thông qua dự luật hỗ trợ người biểu tình Hong Kong và cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Đài Loan – hòn đảo Trung Quốc luôn coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất.
Ngay cả ông Biden, người từ lâu đã ủng hộ chiến lược tiếp cận Trung Quốc, đã có giọng điệu cứng rắn hơn khi các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ nóng lên. Trong những tháng gần đây, ông Biden đã chỉ trích cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi những người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong và lên án các tập quán thương mại của Bắc Kinh.
Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc gặp. Ảnh: AFP
Le lói hy vọng cải thiện quan hệ
Mặc dù các quan chức Trung Quốc tránh chỉ trích trực tiếp ông Trump, các nhà kiểm duyệt Internet đã cho phép những lời chỉ trích mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn nhằm vào Mỹ lưu hành trực tuyến. Một nhà ngoại giao nước ngoài cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc “thích gây gỗ” và “giận dữ” với các quan chức Mỹ.
“Ông Trump đã phá hủy nhiều thiện chí. Lúc bắt đầu cuộc chiến thương mại, có rất nhiều người ủng hộ Mỹ, nhưng giờ đây họ đồng tình với những người có quan điểm cứng rắn” – ông Wang Huiyao, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc và là người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết.
Ông Trump đã tìm cách khai thác danh tiếng đối đầu với Trung Quốc của mình hướng đến một chiến thắng vào tháng 11, bất chấp lời khen ngợi ban đầu mà chủ nhân Nhà Trắng dành cho Chủ tịch Tập trong việc xử lý dịch COVID-19. Hồi tháng 4, Tổng thống Trump nói với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc “sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tôi thua cuộc”, nhưng không đưa ra bằng chứng cho thấy Bắc Kinh muốn nhìn thấy ông thất cử vào tháng 11 tới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại quan điểm lâu nay của họ rằng Bắc Kinh chưa bao giờ tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Trong một dấu hiệu cho thấy hai bên có thể đang tìm cách giải quyết các bất đồng trong năm bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo sẽ gặp Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii trong ngày 16-6 (theo giờ Mỹ).
Một quan chức của Trung Quốc nói rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không phải là vấn đề, do mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không được cải thiện. Hy vọng tốt nhất của Trung Quốc là mọi thứ sẽ không trở nên tồi tệ hơn nữa.