Việc tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc (TQ) cùng lực lượng tàu hải cảnh, dân quân biển tiến vào vùng biển Việt Nam (VN) vào tháng 7 kéo dài sang đầu tháng 8-2019 gặp sự phản ứng mạnh từ VN. Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh, đối tác tại khu vực; các quốc gia ASEAN tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN đầu tháng qua tại Thái Lan cũng lần lượt lên tiếng phản đối các hành vi gây hấn, đe dọa nước khác của Bắc Kinh.
Thách thức luật pháp quốc tế
Tờ Japan Times (Nhật Bản) nhận định việc đưa tàu địa chất Hải Dương 8 quay lại vùng biển của VN phản ánh một “thông điệp cứng rắn” của Bắc Kinh với các nước. Chuyên gia phân tích cao cấp Devin Thorne, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS), cho rằng hoạt động của tàu địa chất Hải Dương 8 (tại vùng biển VN) phản ánh việc sử dụng có chủ đích các nguồn lực dân sự, thương mại, khoa học và bán quân sự để theo đuổi lợi ích và tham vọng lâu dài của TQ ở biển Đông.
Thực tế cho thấy để triển khai tàu địa chất Hải Dương 8, Bắc Kinh phải sử dụng ít nhất hai tàu hải cảnh, rất đông tàu dân quân biển (bản chất là tàu quân sự nhưng được đội lốt tàu dân sự). Ngoài ra ở lớp ngoài cùng, tàu chiến và các hoạt động tập trận, đưa khí tài ra biển Đông cũng là cách Bắc Kinh hậu thuẫn cho các hoạt động phi pháp tại biển VN.
“Việc HDDZ 8 quay lại xâm phạm lãnh hải VN đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước. Điều này càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đảo nhân tạo, của lực lượng hải cảnh TQ. Có thông tin cho rằng phần lớn các tàu hải cảnh lớn nhất của TQ đã được phái tới khu vực tranh chấp để củng cố sức mạnh cho tàu khảo sát” - ThS Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), bình luận.
Cũng theo ông Phương, cùng với các sự kiện xâm nhập lãnh hải Philippines và Malaysia gần đây, dường như Bắc Kinh đang muốn khẳng định ba điều: (i) Khả năng kiểm soát thực tế của TQ với các vùng nước trong yêu sách đường chín đoạn phi pháp; (ii) ép buộc các quốc gia chấp nhận từ bỏ khai thác tài nguyên đơn phương, thay vào đó ít nhất là phải tiến hành cùng khai thác với TQ; và (iii) tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, không thừa nhận phán quyết Tòa Trọng tài dù nước này là một thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngư dân Trung Quốc xuất hiện trên tàu của nước này tại bãi cạn Scarborough Shoal. Ảnh: REUTERS
Chiến thuật “chuyển lửa ra ngoài”?
Cần phải khẳng định rằng về mặt chiến lược, giới chính trị gia và giới quan sát quốc tế đều đồng thuận rằng TQ đã có ý đồ biến biển Đông thành “ao nhà” từ hàng thập niên trước. Chiến lược của Bắc Kinh nhằm độc chiếm biển Đông được triển khai qua các nước cờ nguy hiểm như “tằm ăn dâu”, “cờ vây”, hay gần nhất là “Tam chủng chiến pháp” mà Pháp Luật TP.HCM đã phân tích: dư luận chiến, tâm lý chiến và pháp lý chiến.
Diễn biến hiện nay cho thấy thái độ và lập trường cứng rắn của phía VN trước các hành động của Bắc Kinh. Phía VN cho biết đã dùng ngoại giao qua nhiều kênh để yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng Bắc Kinh không theo. Vậy nên khi VN quyết liệt phản ứng, TQ chọn cách kéo dài sự hiện diện của tàu khảo sát để bày tỏ thái độ không hài lòng. ThS NGUYỄN THẾ PHƯƠNG, nghiên cứu viên SCIS |
Tuy nhiên, quan sát các hành động leo thang gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán ít nhiều TQ đang muốn áp dụng chiến thuật “chuyển lửa” từ nội địa ra ngoài biển Đông. TQ đang đối đầu thương chiến với Mỹ, cùng với một số vấn đề về thể chế khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, thậm chí là suy yếu đáng kể. Vấn đề Hong Kong cũng vượt ngoài sức tưởng tượng của Bắc Kinh khi cuộc biểu tình xảy ra với quy mô ngày càng lớn. Trong đó, TQ đặc biệt quan tâm và phản đối sự can dự của Mỹ, Anh và các nước phương Tây. Uy tín của Bắc Kinh cũng được phản ánh qua sự kiện Hong Kong.
“Đó là lý do tôi cho rằng rất có khả năng TQ muốn đánh lạc hướng dư luận, đưa sự quan tâm của người TQ và nước ngoài về hướng biển Đông để tình hình trong nước dịu lại” - ông Nguyễn Thế Phương nói thêm.
TQ cũng đe dọa Philippines, Malaysia Chính quyền Manila hôm 15-8 cho biết Philippines sẽ yêu cầu Đại sứ TQ Triệu Giám Hoa giải thích về sự hiện diện của tàu chiến TQ tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không thông báo. Đài ABS-CBN dẫn lời phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Chuẩn tướng Edgard Arevalo đề cập năm tàu chiến TQ được nhìn thấy ở eo biển Sibuti và Tawi-Tawi vào tháng 7 và tháng 8-2019. Ông Edgard Arevalo “Đây là một mối đe dọa an ninh, một thách thức đối với an ninh mà chúng tôi cần phải đối mặt và giải quyết… Chúng tôi không biết chính xác họ đang làm gì... Tôi không tin rằng tàu TQ đang đi lại vô hại”. Trong khi đó, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), tàu hải cảnh Haijing 35111 của TQ ngày 10 đến 27-5 tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur được cấp phép thăm dò. |