Trung Quốc ‘trình làng’ tiêm kích tàng hình J-20

Cuộc triển lãm hàng không quốc tế lớn nhất của Trung Quốc đã khai mạc ngày 1-11 tại TP Chu Hải (tỉnh Quảng Đông).

Cuộc triển lãm mang tên “Triển lãm Hàng không và Không gian quốc tế Trung Quốc lần thứ 11” kéo dài trong sáu ngày với hơn 20 nước tham dự.

Tầm quan trọng của triển lãm được thể hiện qua lễ khai mạc có Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long và Tư lệnh không quân Mã Hiểu Thiên tham dự.

Báo South China Morning Post dẫn lời ban tổ chức khoe gần 50% loại vũ khí Trung Quốc được trưng bày lần đầu tiên.

Trung Quốc đã đưa ra biểu diễn hoặc trưng bày nhiều loại khí tài như máy bay vận tải quân sự mới Y-20, máy bay ném bom H-6K, máy bay tiêm kích J-10B, máy bay cảnh báo sớm KJ-500, xe bọc thép, tên lửa phòng không, máy bay không người lái.

Lần đầu tiên Trung Quốc đã “trình làng” máy bay tiêm kích J-20 thế hệ mới. Hai máy bay J-20 cất cánh từ sân bay Phật Sơn gần đó và bay biểu diễn trong một phút.

Một quan chức không quân Trung Quốc giải thích máy bay J-20 không được trưng bày tại triển lãm vì máy bay sử dụng nhiều công nghệ tàng hình và bí mật quân sự.

Máy bay không người lái CH-5 của Trung Quốc tại triển lãm ở Chu Hải. Ảnh: THX

Dự kiến ngày 4-11, triển lãm sẽ trưng bày radar giám sát di động SLC-7 được cho là sử dụng công nghệ radar tiên tiến nhất Trung Quốc. Radar do Viện Nghiên cứu số 14 (thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc) sản xuất.

Chuyên viên của tập đoàn nói radar SLC-7 là mẫu xuất khẩu và Trung Quốc dự kiến nhắm đến các khách hàng tiềm năng như Pakistan, Ai Cập, Iran và một số nước Trung Đông là đối thủ của Mỹ.

Tập đoàn từ chối khẳng định radar SLC-7 có được triển khai trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) hay không.

Hồi tháng 2, hình ảnh vệ tinh đã phát hiện Trung Quốc triển khai bốn dàn tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm.

AFP nhận định Bắc Kinh đang thúc đẩy hiện đại hóa quân đội để bảo vệ lãnh thổ, đồng thời khẳng định yêu sách chủ quyền, nhất là ở khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận xét trong buổi biểu diễn ngắn ngủi kéo dài chỉ một phút, hai máy bay J-20 Trung Quốc đã không mở khoang vũ khí dưới bụng và không bay thấp, do đó đặt ra nhiều nghi vấn.

Greg Waldron, Giám đốc châu Á của chuyên trang FlightGlobal (Anh), nhận xét: “Chúng tôi không thể nói máy bay đó sử dụng loại động cơ nào, có cơ động hay không. Điều quan trọng hơn là giao diện chống radar như thế nào”.

Một yếu tố then chốt là liệu máy bay J-20 có thể chọi lại với radar của các loại máy bay Mỹ Lockheed Martin F-22 Raptor hay Lockheed F-35 trong không chiến hay không.

Chuyên gia Sam Roggeveen ở Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) nhận xét chỉ có thay đổi trong lần triển lãm này là Trung Quốc đã sẵn sàng giới thiệu máy bay mới chế tạo.

Nhận định về chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu từ ngày 1-11, báo Wall Street Journal dẫn lời GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận xét: “Malaysia đang chơi chiến lược nước đôi vào lúc Mỹ bầu cử tổng thống và Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực”.

Quan hệ quân sự Malaysia-Mỹ rất chặt chẽ nhưng gần đây quan hệ hai bên trở nên căng thẳng. Hồi tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ tịch thu 1 tỉ USD trong vụ tham nhũng quỹ đầu tư ở Malaysia. Chuyên gia Tang Siew Mun ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak (Singapore) nhận xét: “Chiếm lĩnh Malaysia sẽ là thắng lợi của Trung Quốc nếu tính đến việc Thủ tướng Najib Razak ủng hộ trục xoay của Mỹ”.

_____________________________

300 đến 400 km là phạm vi radar SLC-7 có thể phát hiện mục tiêu theo lời của nhà sản xuất. Nhà sản xuất khẳng định đây là lần đầu tiên công bố tính năng dò tìm máy bay tàng hình của radar SLC-7.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới