Trung Quốc tuyên án tử hình 2 cựu quan chức Tân Cương

Theo hãng tin AFP, hai cựu quan chức chính phủ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc đã bị tuyên án tử hình vì thực hiện "các hoạt động ly khai", trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng các hành động đối với các nhóm thiểu số trong khu vực.

Ông Shirzat Bawudun - cựu Giám đốc sở Tư pháp Tân Cương - đã bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành hai năm về tội "chia rẽ đất nước", theo thông báo được đăng tải ngày 6-4 trên trang web của chính quyền Tân Cương.

Ông Wang Langtao - Phó chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao Tân Cương - nói rằng ông Bawudun đã cấu kết với một tổ chức khủng bố, nhận hối lộ và thực hiện các hoạt động ly khai.

Lính Trung Quốc tuần tra ở Tân Cương. Ảnh: AP

Ông Bawudun bị kết tội thông đồng với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - nhóm bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách khủng bố - sau khi gặp một thành viên chủ chốt của nhóm này năm 2003. 

Tuy nhiên, đến tháng 11-2020, Mỹ đã loại nhóm này khỏi danh sách khủng bố vì "không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy ETIM vẫn đang tiếp tục hoạt động”.

Theo AFP, ông Bawudun cũng bị cáo buộc cung cấp trái phép "thông tin cho các thế lực nước ngoài", cũng như đã thực hiện "các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trong đám cưới con gái".

Tòa án Tân Cương cũng cho biết ông Sattar Sawut - cựu Giám đốc sở giáo dục Tân Cương - cũng bị kết án tử hình hoãn thi hành hai năm vì các tội ly khai và nhận hối lộ. 

Theo các quan chức Trung Quốc, ông Sawut đã đưa nội dung ly khai sắc tộc, bạo lực, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo vào sách giáo khoa bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ.

Tòa án Tân Cương cho biết những quyển sách giáo khoa này đã ảnh hưởng đến một số người tham gia các vụ tấn công ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương, bao gồm vụ bạo động khiến ít nhất 200 người chết vào năm 2009. 

Những người khác trở thành "thành viên chủ chốt của một nhóm ly khai" do cựu giảng viên đại học Ilham Tohti - một nhà kinh tế học người Duy Ngô Nhĩ - dẫn dắt. Vào năm 2014, ông Tohti đã bị kết án tù chung thân vì tội ly khai.

Các tổ chức về quyền con người trên thế giới tin rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại cải tạo trên khắp Tân Cương.

Về phía Trung Quốc, nước này luôn phủ nhận cáo buộc lao động cưỡng bức và nói rằng các khu trại ở vùng cực tây đất nước là nơi đào tạo nghề và để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới