Tàu Trung Quốc hung hăng trên biển
Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu quản lý bãi Hoàng Nham (thuộc quần đảo Trường Sa), thách thức tuyên bố chủ quyền của Philippines trên khu vực này. Năm 2013, Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Năm 2014, Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa bằng cách hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trong bài viết “Cái giá của chiến thắng không danh dự” đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Ankit Panda cho rằng, kết quả của những hành động này là Trung Quốc giờ bị nhiều người coi là kẻ chuyên đi bắt nạt các nước trong khu vực.
Thay vì sử dụng bất kỳ lý lẽ luật pháp hợp lý nào để biện hộ cho các tuyên bố chủ quyền, chính quyền Trung Quốc chỉ viện một vài tài liệu lịch sử không rõ ràng và một vài tiền lệ để ngụy biện tính đúng đắn cho những yêu sách của mình.
Gần đây nhất, những điều này được thể hiện rõ ràng trong lời lẽ hùng hồn của đại diện quân đội và quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La ở Singapore.
Những chiến thuật của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền có vẻ hiệu quả, nhưng các học giả quốc tế cho rằng, các chiến thuật này khiến Trung Quốc gần như không còn bạn bè trong khu vực.
Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc “liếm trọn” hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: The Diplomat
Trên vũ đài chính trị quốc tế, điều quan trọng nhất là chiến thắng với uy tín, danh dự và sức ảnh hưởng. Tác giả Ankit Panda cho rằng, trong xu hướng hiện nay, vẫn chưa muộn để Trung Quốc cứu vãn lấy một chút tiếng tăm tích cực trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc có nhiều lý do để hành động như vậy. Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Tương tác và Xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) gần đây, rằng Trung Quốc có tham vọng giữ vai trò lãnh đạo chuẩn mực ở châu Á.
Không lâu sau CICA, Đối thoại Shangri-La đã phơi bày hố ngăn cách lớn giữa Trung Quốc với các nước châu Á khác trên nhiều giá trị. Nói ngắn gọn, Trung Quốc và phần còn lại của châu Á có cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau về hiện trạng an ninh và ở niềm tin ai sẽ là nhà lãnh đạo trong tương lai.
Trung Quốc có thể thực hiện các bước đi nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về trật tự châu Á trong tương lai. Một ví dụ mà các học giả đưa ra là Trung Quốc có thể thúc đẩy biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Brunei và Malaysia.
Dù hai nước này có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng cũng chưa đến mức coi Trung Quốc là mối họa khẩn cấp.
Từ khi Trung Quốc giành Hoàng Nham từ Philippines, hành động của họ cho thấy Bắc Kinh không thể lấy được lòng tin của các nước Đông Nam Á hay Nhật Bản với hàng loạt hành động sau đó của họ.
Trung Quốc nên theo đuổi con đường ngoại giao hiệu quả, cho dù không thể ngay lập tức có được cách giải quyết vẹn toàn ngay lập tức, nhưng cũng có thể làm giảm cảm giác của các nước khu vực coi Trung Quốc là mối đe dọa.
Mỹ giành quyền lãnh đạo sau khi chiến thắng, nhưng chỉ vì Mỹ chấp nhận những giá trị của các cường quốc trên khắp Đại Tây Dương, những nước trở thành đồng minh lớn của Washington sau Thế chiến 2. Cuối cùng, trật tự thế giới tự do đương đại đang chịu ảnh hưởng đáng kể của Mỹ.
Nếu Trung Quốc muốn dẫn đầu trên con đường hướng tới “châu Á vì người châu Á” mà không chịu nhiều ảnh hưởng từ Mỹ, Bắc Kinh cần chú trọng vào chủ nghĩa đa phương chân thành.
Việc đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La công khai đổi lỗi cho Việt Nam và Philippines “xuyên tạc” phản ánh một sự thiếu quan tâm của Trung Quốc trong việc theo đuổi các giá trị. Trong khi, Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi các giá trị của mình mà không cần dùng hành động khiêu khích trắng trợn như hiện nay.
Theo The Diploma/TPO