Chống chiêu bài “dân sự hóa quân sự” của TQ

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với PGS-TS Trần Nam Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển đảo - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) về chiêu bài “dân sự hóa quân sự” mà Trung Quốc (TQ) đang sử dụng để xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam (VN) trong vụ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Chiêu bài “dân sự” ngày càng nguy hiểm!

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những công cụ dân sự mà TQ đang sử dụng để gây hấn trên vùng biển Hoàng Sa VN thời gian qua?

Chống chiêu bài “dân sự hóa quân sự” của TQ ảnh 1
 
+ PGS-TS Trần Nam Tiến: Cho đến thời điểm này, không còn nghi ngờ thêm về chiến lược “dân sự hóa quân sự”, dùng chiêu bài thăm dò dầu khí, đánh bắt cá có “tàu quân sự hộ tống” để thực hiện mưu đồ “chiếm hữu thực tế” trên toàn bộ vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền đương nhiên của VN) của chính quyền Bắc Kinh. Theo cá nhân tôi, xét ở góc độ địa chiến lược trong bối cảnh hiện nay, cũng như những căn cứ về lịch sử hành động của TQ thì rất có khả năng các giàn khoan khác đang được TQ xây dựng (sau Hải Dương 981 - PV) sẽ xuất hiện thêm cái thứ hai, thứ ba… lan xuống cả vùng biển Trường Sa của VN. Đây sẽ là một động thái rất nguy hiểm nhằm thực hiện mưu đồ xác lập “chủ quyền tự nhiên” trên toàn bộ khu vực biển Đông của TQ.

. Trước quân bài “dân sự” rất khó xử lý này, VN cần ứng phó thế nào?

+ Trước sự nguy hiểm của chiêu bài “dân sự” của TQ cùng những động thái vừa qua của thế giới, tôi nghĩ cần đổi mới các hình thức ngoại giao truyền thống. Đặc biệt là khi TQ đang có khả năng tiếp tục xây dựng giàn khoan với hệ thống tàu dân sự hộ tống ở biển Đông; trong khi Mỹ, Nga vẫn “ầu ơ ví dầu” với chính sách mập mờ ở khu vực này thì VN cần có cách đi phù hợp hơn. Theo đó, VN cần tăng cường các hình thức “ngoại giao phòng ngừa”, hướng tới tư duy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nghĩa là không để TQ có thể có thêm các giàn khoan tràn xuống biển Đông, ngăn chặn có hiệu quả từ trước các hoạt động “dân sự” của các lực lượng mềm của TQ ăn theo các giàn khoan mới, đồng thời cô lập các hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981.

TQ đang dùng chiêu bài thăm dò dầu khí, đánh bắt cá có “tàu quân sự hộ tống” để thực hiện mưu đồ  xâm chiếm vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: HS

Tăng cường sự hiện diện chính đáng

. Cụ thể, ngoại giao phòng ngừa cần triển khai theo các hướng nào, thưa ông?

+ Một là tăng cường và chính thức hợp tác an ninh quốc phòng với các nước có xung đột trên biển với TQ, đặc biệt với Philippines - quốc gia cùng chung trong ASEAN với VN cũng đang bức xúc trước các hành động của TQ trên biển Đông, Nhật - quốc gia đang lo ngại về an ninh của biển Hoa Đông hay xa hơn là với các nước có những quan ngại về an ninh quốc gia, muốn kìm chân TQ ở khu vực này như Ấn Độ… Ở đây chúng ta cần hiểu hợp tác an ninh quốc phòng khác với một “liên minh quân sự”. Cụ thể, hợp tác giữa VN và các nước trên cơ sở chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật quân sự-quốc phòng, cứu hộ trên biển… Mục tiêu hướng tới tăng cường sức mạnh để đảm bảo an ninh trong tương lai chứ không phải “liên minh” để chống lại một quốc gia nào đó.

Hai là VN chủ động kêu gọi và đứng ra đảm bảo an ninh cho các tập đoàn dầu khí nước ngoài, đặc biệt là các nước lớn tại khu vực biển Đông. Trước đây nhiều tập đoàn nước ngoài khi đến hợp tác với VN bị sức ép của TQ phải rút đi, trong khi phía VN chủ yếu là dùng ngoại giao để phản đối. Do đó trong bối cảnh mới, VN cần mạnh dạn sử dụng quyền hợp pháp và sức mạnh của lực lượng hiện có để bảo vệ các đối tác nước ngoài yên tâm khai thác dầu khí ở đây. Sự xuất hiện của các tập đoàn nước ngoài hợp tác với VN sẽ gián tiếp hạn chế sự “hiện diện” theo kiểu bành trướng của TQ. Có thể nói thông qua việc hợp tác hiệu quả với các nước và đối tác nước ngoài, VN càng dễ dàng tăng cường sự hiện diện chính đáng, khẳng định và thực thi quyền chủ quyền trên biển Đông.

Ba là VN cần tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển với mật độ và thời gian trên các vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta nhằm ngăn chặn có hiệu quả các ý đồ của TQ trong việc đưa thêm giàn khoan vào biển Đông, hạn chế và cô lập hoạt động của các “lực lượng quân sự mềm” núp bóng vỏ bọc “dân sự” khác. Bên cạnh đó, VN phải chú ý phổ biến, mạnh mẽ hơn nữa các chứng cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo của VN trên biển Đông thông qua các kênh tuyên truyền, công trình khoa học… để thế giới biết đến, qua đó thu hút sự ủng hộ của dư luận thế giới, góp phần tăng tính hiệu quả cho các ngoại giao phòng ngừa của VN.

. Xin cảm ơn ông.

ĐỖ THIỆN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm