Khuấy biển Đông, Trung Quốc “gậy ông đập lưng ông”

Khi hùng hổ kéo giàn khoan được coi là “vũ khí chiến lược” hay “quốc thổ di động” vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn đã lường tính đến các tình huống và phản ứng có thể xảy đến từ Việt Nam, ASEAN, Mỹ cũng như thế giới.

Có lẽ Trung Quốc cũng không ngờ bị mắc nghẹn và dính đòn “gậy ông đập lưng ông” bởi cuồng vọng bị đẩy quá đà, lộ rõ sự ảo tưởng về sức mạnh của mình, đồng thời thể hiện “chưa biết người”. 

Chưa rõ liệu Trung Quốc thu được gì từ hành vi gây hấn ngang ngược, song thực tế chỉ ra Trung Quốc đang rơi vào cảnh “ghét của nào trời trao của nấy”.

Thời gian qua, Trung Quốc ra sức rao giảng chủ thuyết “trỗi dậy hòa bình” và đã khá thành công với những cuộc “tấn công quyến rũ” bằng kinh tế, thương mại, đầu tư, sức mạnh mềm văn hóa và hàng hóa giá rẻ tràn ngập toàn cầu. Tuy nhiên, với những hành động hung hăng, rõ ràng Trung Quốc đang tự phá hỏng uy tín và hình ảnh nước này dày công xây dựng bấy lâu.

Nhật báo Pháp Les Echos mới đây đăng bài “Trung Quốc - cường quốc ngày càng hiếu chiến” của tác giả Gabriel Grésillon đánh giá, nếu như cách đây 5 năm, Trung Quốc còn được xem như một quốc gia hòa bình, thì giờ đây đã trở thành một kẻ gây hấn tiềm tàng trong khu vực.

Hành động này ẩn chứa một rủi ro nghiêm trọng là làm sụp đổ uy tín của quốc gia. Cây bút này kết luận: “Để gây dựng uy tín phải mất nhiều thời gian, nhưng tiếng xấu lại bám lấy rất nhanh. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đang làm… Cường quốc thứ hai trên thế giới này không còn là một quốc gia hòa bình nữa, mà đã trở thành kẻ gây hấn tiềm tàng trong toàn khu vực”. Đáng chú ý, đây không còn là ý kiến mang tính đơn lẻ mà đã trở thành nhận định phổ quát trên toàn cầu. 

Một thất bại khác, Trung Quốc rất sợ quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông và trước nay chỉ một mực khăng khăng dùng chiêu “đàm phán song phương” để bẻ từng chiếc đũa yếu ớt.

Nhưng nay không phải Việt Nam mà chính tham vọng siêu cường của Trung Quốc đã tự quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Đơn giản biển Đông không thể là ao nhà của riêng nước nào và thái độ hung hãn của Trung Quốc đã đe dọa sự ổn định của khu vực, tự do hàng hải và lợi ích thương mại của hàng loạt cường quốc.

Nên Trung Quốc không chỉ vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Philippines mà còn hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ…Không lạ nếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện những cơ chế an ninh mới hoặc liên minh nào đó nhằm đối phó với các nguy cơ nổi lên.

Bên cạnh đó, khi vứt bỏ chiếc áo choàng “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc lại vô tình thả một con sư tử thật sự ra khỏi rừng. Hệ quả của việc Trung Quốc cố thay đổi hiện trạng, thách thức Mỹ đã khiến Washington khuyến khích Nhật Bản gánh vác một vai trò lớn hơn trên vũ đài khu vực. 

Nhật Bản đã ngay lập tực chớp lấy cơ hội này, đang tháo bỏ những cấm điều để trở thành một quốc gia bình thường được phép xuất khẩu vũ khí, có quyền phòng vệ tập thể, thực hiện chủ nghĩa “hòa bình chủ động” trên trận tuyến chung. Nhật Bản không nghi ngờ là một đối trọng kỵ giơ với Trung Quốc, hiển nhiên cũng rất khao khát tư cách “anh cả” khu vực.

Cuối cùng, cách hành xử bạo ngược của Trung Quốc đã khiến không ít quốc gia láng giềng giật mình tỉnh mộng, nghiền ngẫm kỹ thuyết “Thoát Á luận” của nhà tư tưởng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi, từng mở lối khai phóng một nước Nhật phát triển huy hoàng thời Minh Trị.

Đây thực sự là cơ hội tốt để dũng cảm thanh lọc cơ thể, sửa chữa những khuyết tật hệ thống, phát huy cao nhất những giá trị dân tộc để có thể vượt thoát quỹ đạo lệ thuộc. 

Theo TPO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm