Xin giới thiệu bài viết của của tác giả Việt Long về vấn đề này.
Phần 1: Giàn khoan Hải Dương 981- Sự toan tính, chuẩn bị kỹ lưỡng
Ngày 1/5, Công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc triển khai hạ đặt trái phép giàn khoan di động Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại tọa độ 15o29’ Vĩ Bắc, 111o12’ Kinh Đông, thời gian hoạt động đến ngày 15/8.
Việt Nam cho rằng theo Công ước Luật Biển năm 1982 vị trí này nằm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình nên lập tức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động trên và rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Đáp lại Trung Quốc cho rằng đây là hoạt động khai thác tài nguyên bình thường trên vùng biển Trung Quốc và tố cáo ngược lại Việt Nam là bên gây hấn. Trung Quốc đã liên tục tăng số lượng tàu hộ tống, tàu hải quân, tàu hải cảnh, đâm va, bắn vòi rồng vào các lực lượng chấp pháp biển Việt Nam.
Vụ việc đã kéo theo sự quan ngại của quốc tế và cộng đồng ASEAN. Tính từ năm 1988, thời điểm xung đột gần nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, vụ việc này có mấy điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, hành động của Trung Quốc tỏ ra hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận khu vực nhất.
Thứ hai, phản ứng của Việt Nam dù ở mức độ kiềm chế không sử dụng biện pháp quân sự nhưng cũng thể hiện nhanh nhất, đồng bộ nhất, kiên quyết nhất không chỉ trên thực địa. Lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam đã nêu đích danh các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam trước các diễn đàn ASEAN và quốc tế.
Thứ ba, dư luận quốc tế phản ứng với hành động của Trung Quốc mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất. Các tiếng nói phê phán vang lên từ Washington, EU, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Thứ tư, ASEAN thể hiện mình là một khối thống nhất trước áp lực chia rẽ của Trung Quốc với một tuyên bố riêng của các Ngoại trưởng về Biển Đông sau 19 năm.
Thứ năm, các cuộc biểu tình với quy mô lớn bùng nổ trên dải đất hình chữ S thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt trước hiểm họa xâm lấn từ bên ngoài. Rất đáng tiếc một bộ phận người biểu tình đã bị các phần tử xấu kích động chống Trung Quốc tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã làm quan hệ Việt-Trung thêm căng thẳng.
Trung Quốc lấy cớ để hạn chế một số hoạt động kinh tế, rút công nhân tại các dự án về nước, bôi xấu hình ảnh và đánh mạnh vào kinh tế Việt Nam.
Luật quốc tế và lập luận "cưỡng đoạt lý" của Trung Quốc
Vị trí giàn khoan Hải Dương-981 định hạ đặt nằm cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý và đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Hải Nam 182 hải lý, cách đá Triton thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý và đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo này 103 hải lý.
Theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, mỗi nước có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở.
Nếu tính từ bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, khu vực nằm trong vùng chồng lấn đặc quyền kinh tế của hai bên. Tuy nhiên Luật Biển lại quy định rõ ràng trong vùng biển chồng lấn, các bên không được có những hành động đơn phương thăm dò khai thác vượt quá đường trung tuyến (hoặc cách đều) mà phải tiến hành đàm phán hoặc có những dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi phân định cuối cùng.
Thực tiễn phân định cho thấy các đảo ít khi được hưởng cùng một hiệu lực như lãnh thổ đất liền. Vì vậy xét từ lý thuyết phân định, trong tương quan giữa bờ biển Việt Nam và đảo Hải Nam, khu vực này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hoặc chí ít cũng nằm về phía Việt Nam qua đường trung tuyến.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi liên quan đến tương quan giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa. Đây là quần đảo Việt Nam khẳng định đã xác lập chủ quyền từ thế kỷ XVII song lại nằm dưới sự quản lý thực tế của Trung Quốc từ năm 1974 sau khi đánh chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa bằng vũ lực.
Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở cho quần đảo này vào năm 1996 và đá Triton là một trong những điểm nhô ra nhất về phía Nam của đường cơ sở đó. Tuyên bố này bị thế giới phê phán vì đã áp dụng cách vẽ đường cơ sở quốc gia quần đảo cho một quần đảo đang tranh chấp chủ quyền.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn cho rằng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về họ, không có tranh chấp, không đàm phán. Nghiêm trọng hơn, tháng 7/2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa có trụ sở trên đảo Phú Lâm và quản lý toàn vùng biển trong đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Việt Nam không bao giờ chấp nhận đảo Phú Lâm, đá Triton và các địa vật của quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Áp dụng điều 121 (3) của UNCLOS 1982, các đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng như Triton sẽ chỉ có lãnh hải 12 hải lý mà không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Ngay cả đảo Phú Lâm rộng 200ha nếu có hiệu lực phân định thì cũng rất nhỏ. Trong phân định Vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vỹ 2,5km2 chỉ được hưởng 1/4 hiệu lực. Trong phân định Vịnh Thái Lan, đảo Thổ Chu chỉ hưởng 1/3 hiệu lực.
Phán quyết của tòa án và trọng tài quốc tế đều khẳng định xu thế các đảo không có hiệu lực tương xứng trong tương quan với đất liền.
Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về tài nguyên và quyền tài phán về lắp đặt, sử dụng, duy trì và sửa chữa các công trình thiết bị trên biển. Vì vậy, việc Trung Quốc đơn phương triển khai hoạt động khoan thăm dò khai thác trong vùng biển nước khác được xem là vi phạm mang tính khiêu khích.
Việc tập trung một số lượng lớn tàu hải giám, tàu cá, tàu và máy bay quân sự, chủ động đâm hỏng, đâm chìm tàu đối phương là sự vi phạm Luật phòng chống đâm va trên biển COLREG 1972, làm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải quốc tế và trực tiếp vi phạm điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc về không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việc triển khai giàn khoan còn đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
DOC yêu cầu các bên liên quan tiến hành giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc thừa nhận chung của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
DOC cũng kêu gọi các bên phải hết sức kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hay leo thang xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Vụ việc này còn đi ngược lại Thỏa thuận Việt-Trung về nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển ký ngày 11/10/2011.
Hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam cũng vi phạm các nguyên tắc của Luật nhân đạo quốc tế và truyền thống cứu giúp nhau của những người đi biển.
Như vậy, tại sao Trung Quốc lại cố tình tiến hành, bất chấp luật quốc tế và sự quan ngại của cộng đồng quốc tế?
Mục đích hạ đặt giàn khoan: Điểm nóng trong ván bài giữa hai "siêu cường"
Đã có nhiều phân tích cho rằng đây là sự đáp trả chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Obama 21-29/4 và sự khát năng lượng của nền kinh tế thứ hai thế giới. Thực tế khả năng triển khai một giàn khoan đã được dự đoán trước từ 1992 khi Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác bất hợp pháp với Crestone (Mỹ) trên một vùng biển rộng 125.000km2.
Đây là khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc khi đó đã viện cớ bãi Vạn An Bắc thuộc chủ quyền Trung Quốc nhưng nằm trên thềm lục địa nước khác. Khả năng này ngày càng trở nên hiện hữu khi giàn khoan Hải Dương-981 được đóng xong vào năm 2011 và khoan thử đầu tiên vào tháng 5/2012.
Ngay tháng 6/2012, CNOOC gọi thầu phi pháp 9 lô dầu khí gần bờ biển miền Trung Việt Nam. Ý đồ Trung Quốc không thay đổi khi muốn độc tôn Biên Đông, tiến tới chia sẻ Thái Bình Dương với Mỹ.
Biển Đông với vị trí địa chiến lược nối hai đại dương, với tài nguyên dầu khí, băng cháy và cá không tránh khỏi là điểm nóng trong ván bài giữa hai siêu cường.
Chỉ riêng số lượng tàu chở dầu quốc tế đi qua Biển Đông đã chiếm hơn một nửa của thế giới, gấp 3 lần số qua kênh đào Suez, 5 lần qua kênh đào Panama Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu khí thứ hai thế giới và dầu chủ yếu được vận chuyển qua Thái Bình Dương, qua tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông, không thể để an ninh năng lượng của mình bị Mỹ và đồng minh khống chế.
Chiến lược an ninh biển của Trung Quốc muốn thành công còn phải có sân sau là Biển Đông (lợi ích cốt lõi) để tránh khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc ở Biển Hoa Đông. Chiến lược này mâu thuẫn giữa mục tiêu chiếm đoạt, tranh chấp chủ quyền với nhu cầu có môi trường “trỗi dậy hòa bình.”
Để xoa dịu mâu thuẫn đó, Trung Quốc đưa ra sự kết hợp yêu sách đường lưỡi bò phi lý mà thế giới đều lên án với chủ thuyết ‘Chủ quyền thuộc Trung Quốc, Gác tranh chấp cùng khai thác.”
Các hoạt động trên biển của Trung Quốc những năm gần đây đều tuân thủ chiến lược cứng rắn không đối đầu với Mỹ, nhưng cứng rắn có chọn lọc với láng giềng, khiêu khích đủ để đạt mục đích ngắn hạn mà không vượt qua làn ranh đỏ chiến tranh. Duy trì đường lưỡi bò để có cơ sở đưa vấn đề gác tranh chấp cùng khai thác.
Các phương tiện hiện đại nhất của Trung Quốc đều thử nghiệm đầu tiên tại Biển Đông, từ tàu sân bay Liêu Ninh đến giàn khoan di động Hải Dương-981 hay tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân.
Đích nhắm của Hải Dương-981 tiếp theo sẽ là Tư Chính, là 9 lô dầu khí ven bờ miền Trung Việt Nam mà CNOOC gọi thầu bất hợp pháp, là Bãi Cỏ Rong, Bãi Cỏ Mây, bãi ngầm Tăng Mẫu, bất cứ nơi đâu trong phạm vi đường lưỡi bò nhưng ưu tiên các vùng biển ven bờ các nước nơi khả năng khai thác dầu khí thương mại đã được khẳng định.
Việc triển khai giàn khoan ngay sau chuyến đi của Tổng thống Obama được cho là phản ứng gay gắt của Trung Quốc với chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ nhưng để chuẩn bị triển khai giàn khoan và lực lượng tàu hộ tống hùng hậu không chỉ trong 2 ngày.
Phản ứng của Mỹ đối với việc sát nhập Crimea của Nga càng củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc. Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama chỉ là chất xúc tác, còn việc triển khai đã được quyết định, nằm trong lộ trình lâu dài thâu tóm Biển Đông và không thể tránh khỏi.
Ngoài lý do chính trên, những lý do khác cũng có thể tác động đến quyết định này. Đó là chiêu thức lấy vấn đề đối ngoại để xoa dịu, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ khi các cuộc bạo động liên tục nổ ra tại Quảng Châu, Vân Nam và đặc biệt tại Tân Cương với vụ bao động ở nhà ga Tân Cương ngay sau khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa rời khỏi ngày 30/4, một ngày trước khi giàn khoan Hải Dương-981 được đưa xuống Biển Đông.
Đó là sự thúc ép của các tướng lĩnh quân sự chưa hài lòng với ngân sách quân sự tăng đáng kể trong những năm gần đây. Dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2014 lên đến 131,5 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm ngoái.
Đó là sức ép của các công ty dầu khí muốn mở rộng hoạt động vào những vùng biển có khả năng dầu thương mại gần bờ của các quốc gia khác. Đó là sự đe nẹt các nước trong khu vực mà trước hết là Việt Nam để không đi theo tấm gương của Philippines đưa các tranh chấp ra Trọng tài quốc tế.
Hồ sơ kiện của Philippines đã được trình đúng thời hạn 30/3 và được Tòa trọng tài thụ lý. Hải Dương-981 bề ngoài là xung đột Việt-Trung nhưng thực chất là một bước thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ để tìm các nước đồng minh, các vệ tinh trong Biển Đông, tiến tới kiểm soát Biển Đông.
Tư tưởng này không thay đổi trong chính sách của Trung Quốc, thể hiện rõ trong tuyên bố của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì ở Hội nghị cấp cao ASEAN 2010 tại Hà Nội: "Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác chỉ là nước nhỏ. Đó là một thực tế."
Vấn đề chỉ còn là thời điểm thích hợp. Đây là một quyết định địa chính trị chứ không phải đơn thuần kinh tế khi đưa giàn khoan 1 tỷ USD đến vùng biển ít có khả năng thu lợi ích cao.
Lựa chọn thời điểm
Trung Quốc vốn vẫn nổi tiếng là bậc thầy trong cách lựa chon thời điểm đưa ra các quyết định chiến lược. Tháng 4-5/2014 đã có khá nhiều sự kiện tạo thuận lợi cho một quyết định như vậy. Trước hết đó là Hội nghị an ninh quốc gia thông qua khái niệm an ninh quốc gia mang đặc sắc Trung Quốc.
Tiếp theo là chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama tạo cớ cho Trung Quốc có phản ứng ngay nhằm ngăn chặn làn sóng hồ hởi của khu vực sau chuyến đi và chứng minh với khu vực sự ủng hộ của Mỹ nếu có tranh chấp chỉ là những phát biểu hoa mỹ.
Thứ ba, tình hình bất ổn ở Ukraine làm Mỹ và EU phân tán. Nga bị cô lập, cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc, nước đã bỏ phiếu trắng với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề Crimea. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố tập trận chung ở biển Hoa Đông một ngày trước khi triển khai giàn khoan Hải Dương-981.
Tổng thống Putin đã thăm chính thức Trung Quốc ngày 20-21/5 với một hợp đồng mua bán khí đốt 400 tỷ USD và coi đây là thời điểm tốt nhất trong quan hệ giữa hai nước. Một liên minh Nga-Trung đang hình thành thách thức các quyền lợi của Mỹ.
Thời điểm này cũng là lúc ASEAN có quá nhiều bận rộn. Malaysia vẫn đang đau đầu với vụ MH-370, các cuộc bầu cử chưa ngã ngũ ở Indonesia, khủng hoảng chính trị tại Thái Lan.
Hội nghị cấp cao ASEAN 10/5 sẽ khó lòng có được sự đồng thuận cao trước sự lấn lướt của Trung Quốc và kịch bản không có Tuyên bố chung như năm 2012 có thể lặp lại.
Sau một thời gian yên ổn không quá ngắn từ sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị và Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2013, Đông Nam Á sẽ lại bất ngờ dù chiến thuật tằm ăn dâu hay bóc bắp cải của Trung Quốc đã được biết đến nhiều lần nhất là từ năm 2009.
Tháng Năm cũng là thời điểm bắt đầu lệnh cấm bắt cá phi pháp hàng năm của Trung Quốc ban hành từ năm 1998 nhưng vẫn không ngăn được hoạt động của ngư dân Việt Nam hay Philippiness trên vùng biển của họ.
Đưa giàn khoan ra, Trung Quốc muốn tăng cường hiện diện, đẩy lui sự có mặt của ngư dân đồng thời cũng hạn chế các bên huy động tàu cá “quấy rối” hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
Lựa chọn này còn nhằm lúc Việt Nam đang có Hội nghị Trung ương IX, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc đến công lao giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc nên sẽ dễ không chuẩn bị đề phòng.
Lựa chọn đối thủ
Sau Nhật Bản ở Hoa Đông, Philippiness ở Scarborough, Việt Nam trở thành đối thủ va chạm trực tiếp của Trung Quốc trong khu vực. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh một Việt Nam lớn mạnh, vượt tầm kiểm soát không phải là ưu tiên trong chính sách của Trung Quốc.
Những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau khủng hoảng và sự cải thiện quan hệ Việt-Mỹ lên tầm đối tác hợp tác toàn diện không khỏi làm Trung Quốc khó chịu.
Họ không lựa chọn Philippiness vì nước này là đồng minh của Mỹ, vừa ký Hiệp định hợp tác quân sự 10 năm chia sẻ các căn cứ quân sự với Mỹ. Một hành động quá giới hạn sẽ buộc Mỹ có phản ứng không có lợi, Philippiness đang kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài. Ra tay với Manila sẽ làm thế giới đánh giá tính hẹp hòi trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc.
Đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam sẽ như một sự "cảnh cáo" nhằm ép Việt Nam không tham gia ủng hộ vụ kiện của Philippines, buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh, chấp nhận gác tranh chấp cùng khai thác.
"Nắn gân" được Việt Nam thì sẽ khống chế các nước ASEAN khác dễ dàng, Trung Quốc hiểu chính Việt Nam chứ không phải Philippiness mới là đối thủ lớn ngáng đường Trung Quốc xuống phía Nam cả trong lịch sử và hiện tại.
Chĩa mũi dùi vào Việt Nam sẽ cho cả thế giới và khu vực biết sự kiên định Đường lưỡi bò dù có phải bỏ qua các quan hệ ý thức hệ hay tình cảm "môi hở răng lạnh."
Sự kiềm chế của Việt Nam trong các vụ ngư dân bị tấn công, cáp ngầm bị cắt trong thời gian trước có thể tạo ảo tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục kiềm chế, không dám làm lớn, không dám đáp trả trước các vi phạm của Trung Quốc.
Suy nghĩ này càng được củng cố khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam. Năm 2012, tổng thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD. Năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 264,26 tỷ USD trong đó với Trung Quốc là 50,21 tỷ USD tăng 22,0% so với năm 2012.
Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trung Quốc còn đầu tư vào một loạt những công trình quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Thương mại tiểu ngạch giữa hai nước cũng nghiêng về phía Trung Quốc.
Trong tay Bắc Kinh có khá nhiều công cụ kinh tế để gây sức ép. Việt Nam sẽ bị tổn thương nhanh chóng khi không có Mỹ và ASEAN ủng hộ và buộc quay lại quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc.
Lựa chọn vị trí
Vị trí giàn khoan cách đá Triton 17 hải lý nhằm khẳng định quan điểm của Trung Quốc về đường cơ sở 1996 của họ và đá này cũng như các địa hình nổi khác thuộc quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa - Việt Nam) có quyền có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
Vị trí này cũng củng cố quan điểm của Trung Quốc là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa - Việt Nam) hoàn toàn thuộc Trung Quốc không có tranh chấp.
Nếu vị trí hạ đặt nằm trong vòng cung 12 hải lý sẽ dễ bị hiểu lầm là Trung Quốc chỉ đòi quy chế lãnh hải cho các đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép bằng vũ lực từ năm 1974.
Vị trí này cũng thich hợp gần Hải Nam để có thể huy động lực lượng chấp pháp biển và hải quân hùng hậu cũng như tàu cá để bảo vệ giàn khoan.
Trong trường hợp có dầu thương mại thì hệ thống đường ống dẫn dầu vào Tây Sa hay Hải Nam cũng ngắn hơn, dễ lắp đặt và bảo vệ hơn là đi sâu vào vùng biển Việt Nam.
Vị trí này nằm gần lô 119 mà Exxon Mỹ đã khoan thăm dò, đủ để gây áp lực với các công ty Mỹ nhưng không đi đến đối đầu với Mỹ.
Khu vực chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc nên Bắc Kinh hy vọng ASEAN với truyền thống trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, sẽ không có cớ gì để đồng thuận phản bác.
Vị trí này cũng không ảnh hưởng lớn đến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp trong Biển Đông để dễ bác bỏ sự quan ngại quốc tế về an ninh hàng hải. Ngày 27/5, phía Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về vị trí mới (tọa độ 15o33’38” vĩ Bắc; 111o34’62” kinh Đông) cách đảo Tri Tôn về hướng Đông-Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông-Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý.
Tuy nhiên vị trí này vẫn tiếp tục nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ Việt Nam.
Lựa chọn chiến thuật: Dân sự hóa quân sự
Trong vụ Hải Dương-981 có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng nhuần nhuyễn các lực lượng dân sự hoặc khoác áo dân sự, tiến hành các biện pháp mang tính dân sự, kinh tế, tránh các hành động quân sự gây phản cảm với cộng đồng quốc tế.
Chiến thuật này có thể được gọi là thay “tàu xám” (hải quân) bằng “tàu trắng” (dân sự) đối phó với các lực lượng chấp pháp biển của các nước láng giềng. Chiến thuật này đã thành công trong vụ đuổi tàu cá Philippiness ở bãi ngầm Scarborough.
Thứ hai, sử dụng giàn khoan di động thay cố định. Tính di động cho phép nhanh chóng đưa giàn khoan vào vị trí mong muốn trong thời gian ngắn đủ đế đối phương bất ngờ không phản ứng kịp và bên ngoài nếu muốn cũng không kịp can thiệp khi thành sự đã rồi.
Đối phương cũng không đủ thời gian để triển khai các biện pháp dài hạn như pháp lý. Khoảng thời gian để khởi kiện một vụ án quốc tế thường khá dài. Từ lúc Philippines đưa đơn khởi kiện Trung Quốc sau sự cố Scarborough tháng 2/2013, một năm sau các thủ tục thành lập Tòa và chuẩn bị Bản ghi nhớ mới hoàn tất và ít nhất đến tháng 9/2014 Tòa mới có thể thụ lý.
Trong thời gian đó CNOOC đã có thể chủ động kéo giàn khoan ra vị trí khác để Tòa không có thẩm quyền do đối tượng vi phạm đã rút.
Trung Quốc có thể huy động lực lượng tàu cá hùng hậu để ngăn cản, thậm chí tấn công khiêu khích các lực lượng chấp pháp biển láng giềng, tạo cớ gây ra các xung đột cục bộ cho tàu xám tấn công.
Lịch sử đã chứng minh tàu cá Trung Quốc luôn là lực lượng đi đầu gây hấn ở Đà Nẵng năm 1962, Hoàng Sa 1974 và Scarborough năm 2012.
Triển khai giàn khoan ở phía Bắc, Trung Quốc không quên mở rộng căn cứ Gạc Ma ở phía Nam theo đúng cách Dương Đông kích Tây, phân tán sự chú ý của đối phương cũng như của cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên toan tính không phải bao giờ cũng đúng với thực tế
(Còn tiếp)
Theo Vietnam+