Trung Quốc xây hầm trú ẩn hạt nhân sâu 2km sát Bắc Kinh

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 7-1 đưa tin Trung Quốc đã xây dựng một hầm trú ẩn bên trong hệ thống hang động đá vôi sâu nhất thế giới (gần thủ đô Bắc Kinh) phòng các tình huống nguy cấp như chiến tranh hạt nhân.

Địa điểm “vàng”

Hầm trú ẩn hạt nhân nằm bên dưới Công viên rừng quốc gia Tây Sơn, cách trụ sở chính quyền trung ương ở Bắc Kinh khoảng 20 km về phía Tây Bắc. Hầm trú ẩn được xây dựng giữa một mạng lưới hang động với kích cỡ ngang một thành phố nhỏ, có nguồn cung cấp nước sạch ổn định cho 1 triệu người.

Các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cùng dàn quan chức phụ tá, các nhân viên chính phủ, binh lính nước này sẽ được di chuyển tới hầm trú ẩn trong các tình huống nguy cấp như chiến tranh hạt nhân.

Hầm trú ẩn hạt nhân cách trụ sở chính quyền trung ương Trung Quốc chỉ khoảng 20 km. Đồ họa: SCMP

Đây là một phần kế hoạch của Trung tâm Chỉ huy tác chiến hỗn hợp trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Hầm trú ẩn này lần đầu được thế giới biết đến hồi năm 2016, khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đây.

Hiện không rõ thời gian chính xác hầm trú ẩn này được xây dựng. Theo các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc xây dựng cơ sở này đã được khởi động từ cách đây nhiều thập niên và việc nâng cấp cơ sở đã được xúc tiến trong những năm trở lại đây.

Lối vào chính của cơ sở này nằm tại Công viên rừng quốc gia Tây Sơn, cách Trung Nam Hải gần Tử Cấm Thành khoảng 20 km về phía Tây Bắc. Trung Nam Hải là một quần thể các tòa nhà ở Bắc Kinh, trong đó có trụ sở của đảng và chính phủ Trung Quốc.

Do đó, trong trường hợp có các mối đe dọa nghiêm trọng như chiến tranh hạt nhân, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng di chuyển từ trụ sở chính quyền trung ương tới nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, chính phủ nước này sẽ có thể duy trì hoạt động từ bên trong hầm trú ẩn.

Dải núi Tây Sơn ở Bắc Kinh có các hang động đá vôi thuộc hàng sâu nhất  thế giới. Ảnh: BAIDU

Một vài hầm trú ẩn được cho đã được xây dựng rải rác trên lãnh thổ Trung Quốc kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, vị trí chính xác của các cơ sở này không được tiết lộ. Các hầm trú ẩn thường được xây bên dưới những khu vực núi đá cứng có khả năng chống chịu các vụ nổ mạnh.

Khả năng chống chịu tốt

Ông Tần Đại Quân (Qun Dajun), một nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và địa vật lý (thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc), cho biết các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống hang động đá vôi nằm sâu dưới dải núi Tây Sơn hơn 2 km.

Với độ sâu này, hầm trú ẩn bên dưới Tây Sơn đã sánh ngang với Krubera - hang động sâu nhất thế giới ở Georgia (Tây Á) với độ sâu 2.200 m.

Các hang động đá vôi được hình thành sau hàng triệu năm, khi những khối đá vôi bên dưới dải núi Tây Sơn bị nước ăn mòn. “Theo kiến thức của chúng tôi, đây là hệ thống hang động sâu nhất thế giới” - ông Tần nói.

Các chuyên gia cho biết để có thể chống chọi được một vụ tấn công hạt nhân, hầm ngầm cần được che phủ bởi lớp đá dày 100 m. Do đó, Tây Sơn hoàn toàn đáp ứng yếu tố này khi các hang động tại đây được che phủ bởi những lớp đá hoa cương, vật liệu cứng nhất trong tự nhiên, với bề dày khoảng 1.000 m.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Trung tâm Chỉ huy tác chiến hỗn hợp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào ngày 3-11-2017. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Một trong những điều kiện đảm bảo hầm trú ẩn trên hoạt động là có đủ nguồn cung cấp nước ngọt. Ông Tần, người hiện dẫn đầu một dự án do chính phủ tài trợ để nghiên cứu các mạch nước ngầm ở Tây Sơn, cho biết nguồn nước tại Tây Sơn hiện có khả năng đảm bảo nhu cầu của hơn 1 triệu người.

Nguồn cung cấp nước có thể ổn định và thậm chí được bổ sung trong tương lai khi Trung Quốc xúc tiến các dự án dẫn nước từ sông Dương Tử, giúp giảm nhu cầu nước sinh hoạt từ các giếng khoan địa phương.

Trong khi đó, ông Lưu Vĩnh (Liu Yong), một nhà khoa học hạt nhân tại ĐH Nam Hoa ở Hồ Nam, nói rằng trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân, các chất phóng xạ tồn tại trong đất và sông hồ có thể ngấm vào các mạch nước ngầm. Do đó, nguồn nước phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng.

“Trung Quốc đã phát triển được công nghệ và thiết bị tiên tiến hàng đầu thế giới dùng cho đúng mục đích này” - ông Lưu nói. Được biết ông Lưu hiện là người đứng đầu chương trình nghiên cứu xử lý nước nhiễm phóng xạ do chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Trung Quốc hiện không phải là quốc gia duy nhất xây hầm trú ẩn cho các lãnh đạo cấp cao. Chính phủ nhiều nước lớn trên thế giới từng xây các hầm trú ẩn tương tự trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Một số cơ sở đã bị bỏ hoang hoặc để du khách tham quan, trong khi một số cơ sở vẫn được dùng cho mục đích phòng thủ.

Một vài ví dụ có thể kể tới là khu phức hợp Raven Rock Mountain do quân đội Mỹ ở Pennsylvania quản lý và Bộ Tư lệnh phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ với một phần hầm nằm dưới ngọn núi Cheyenne ở Colorado. So với các núi Raven Rock và Cheyenne, dải núi Tây Sơn có lợi thế đáng kể nhờ vào vị trí đặc biệt của nó, nằm sát với trụ sở chính quyền trung ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm