Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) của Hong Kong ngày 4-1 cho hay theo các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba có tên CV-18 tại một xưởng đóng tàu ở TP Thượng Hải ngay từ năm ngoái.
Cụ thể, một nguồn tin cho biết xưởng đóng tàu quốc doanh Giang Nam ở TP Thượng Hải đã được giao đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba cho Trung Quốc sau khi các nhà lãnh đạo quân sự nước này nhóm họp ở Bắc Kinh theo sau phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) hồi tháng 3-2017.
“Tuy nhiên, xưởng tàu hiện vẫn đang thi công phần thân tàu sân bay mà theo dự kiến sẽ mất khoảng hai năm. Việc đóng tàu sân bay mới sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với hai tàu sân bay trước” – nguồn tin trên nói.
Tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc Type 001A được hạ thủy ở Đại Liên hồi tháng 4-2017. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng “hải quân biển xanh” có khả năng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay nước này chỉ có duy nhất tàu sân bay là Liêu Ninh nằm trong biên chế.
Vừa qua, Bắc Kinh cũng mới hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên Type 001A và đã bắt đầu chuỗi thử nghiệm. Hàng không mẫu hạm nội địa này dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm 2018.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết hiện còn quá sớm để biết được khi nào tàu sân bay thứ ba sẽ được hạ thủy. Giới chuyên gia hải quân nói rằng Trung Quốc đang tham vọng sở hữu bốn nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.
Trung Quốc trước đây phải mất tới tám năm để tân trang và nâng cấp tàu sân bay Liêu Ninh. Tàu này chính thức được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9-2012. Ảnh: SCMP
Tàu sân bay thứ ba được cho có lượng choán nước là 80.000 tấn, lớn hơn tàu Liêu Ninh 10.000 tấn. Theo một nguồn tin thứ hai thân cận với hải quân Trung Quốc, các chuyên gia đóng tàu cùng các nhà kỹ thuật tại Thượng Hải và Đại Liên đã được huy động để xúc tiến đóng tàu này.
“Trung Quốc đã lập ra một đội chuyên gia tàu sân bay mạnh và chuyên nghiệp kể từ đầu năm 2000, thời điểm nước này quyết định tân trang tàu Varyag mua lại từ Ukraine thành tàu Liêu Ninh và thuê các chuyên gia Ukraine làm cố vấn kỹ thuật” – nguồn tin trên nói.
Các nguồn tin nói rằng tàu sân bay thứ ba này sẽ sử dụng một hệ thống phóng máy bay tiên tiến hơn hệ thống kiểu nhảy cầu thời Liên Xô mà đã được áp dụng cho hai tàu sân bay trước. Đó là hệ thống phóng máy bay điện từ.
Hệ thống phóng máy bay điện từ được dùng đồng nghĩa với việc các máy bay sẽ ít bị các hư hỏng và sẽ cho phép nhiều máy bay được triển khai trong một thời gian ngắn hơn.
Các nguồn tin cho biết bản thiết kế tàu sân bay thứ ba, gồm phần sàn bay và khu vực điều khiển tháp đảo, khác so với hai tàu sân bay trước đây. “Tàu sân bay mới sẽ có khu vực tháp đảo nhỏ hơn so với Liêu Ninh và Type 001A vì cần phần sàn bay rộng hơn để chứa các chiến đấu cơ J-15 có kích thước khá lớn” – nguồn tin đầu tiên nói.
Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hồi tháng 11-2017, Chủ tịch Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc (CSIC) Hồ Vấn Minh từng nói rằng Bắc Kinh hiện có đủ chuyên môn để đóng bất kỳ loại hàng không mẫu hạm nào. Ông cho biết một đơn vị gồm 5.000 người trên khắp Trung Quốc đã được lập ra để phục vụ quá trình phát triển hạm đội tàu sân bay của nước này.
Xưởng đóng tàu Giang Nam, nơi được giao đóng tàu sân bay thứ ba, là xưởng đóng tàu lâu đời nhất của Trung Quốc. Xưởng đóng tàu này được thành lập dưới triều đại nhà Thanh vào năm 1865 và thuộc sở hữu quốc doanh của Trung Quốc vào năm 1949.