Trong bốn lần xảy ra ngộ độc botulinum, vì nguồn thuốc giải độc không có nên hai lần Việt Nam (VN) phải nhờ sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước tình hình VN thiếu thuốc hiếm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Có người được dùng thuốc, có người không
Các ca ngộ độc patê Minh Chay vào tháng 9-2020 là vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận tại VN. Tiếp đến là vụ ngộ độc botulinum do ăn bún riêu chay ở Bình Dương, ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam. BV Chợ Rẫy phải điều phối năm lọ thuốc giải độc ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn món cá chép muối ủ chua.
Gần nhất là chùm ca ngộ độc botulinum nghi do ăn giò lụa bán dạo ở TP Thủ Đức. Trong đó có ba bệnh nhân là anh em ruột NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi).
Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được điều chuyển cấp tốc từ Quảng Nam vào TP.HCM để cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum này. Đây là hai lọ thuốc giải độc BAT còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca ngộ độc botulinum do ăn món cá chép muối ủ chua vào tháng 3-2023 tại Quảng Nam.
Ngày 14-5, TP.HCM lại thêm chùm ca ngộ độc botulinum là hai anh em ruột (18 và 26 tuổi) ngộ độc nghi do ăn giò lụa bán dạo, người còn lại là nam 45 tuổi ngộ độc nghi do ăn mắm để lâu ngày.
Một trong hai bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC |
Thời điểm này VN đã hết thuốc giải độc BAT, vì thế các bác sĩ phải điều trị hỗ trợ ba bệnh nhân này chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Dù được hồi sức tích cực chuyên sâu nhưng không đáp ứng điều trị nên bệnh nhân nam 45 tuổi đã tử vong vào tối 24-5, trước khi kịp dùng thuốc giải độc BAT.
Trong bốn lần xảy ra ngộ độc botulinum, vì nguồn thuốc giải độc không có nên hai lần VN phải nhờ sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đã có ít nhất bốn người bệnh tử vong từ các vụ ngộ độc, trong đó có một số bệnh nhân không kịp thời gian vàng để sử dụng thuốc giải độc.
Sau khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM và BV Chợ Rẫy về các trường hợp ngộ độc botulinum ở TP.HCM, Bộ Y tế ngay lập tức liên hệ với các nhà cung ứng thuốc trong nước, nước ngoài và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có thuốc chữa trong thời gian sớm nhất có thể.
Đến ngày 24-5, thuốc được chuyển về VN, Bộ Y tế ngay lập tức chuyển cho các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.
Dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước
Trước tình hình VN thiếu thuốc hiếm, Cục Y tế dự phòng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước.
Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng 15-20 loại và botulinum cũng là một trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.
Cục Quản lý dược cũng đang họp với WHO để nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, tìm giải pháp để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở VN cũng như các nước xung quanh khu vực, các kho của WHO.
Thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BYT ngày 30-8-2019 của Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc hiếm.
Theo danh mục này, hiện TP.HCM đang thiếu một số thuốc như thuốc nhỏ mắt Atropin (BV Mắt), thuốc uống Acitretin, thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (BV Da liễu), thuốc tiêm Mitoxantrone, Idarubicin, Foscarnet trisodium hexahydrate (BV Truyền máu - Huyết học).
Bà LÊ THIỆN QUỲNH NHƯ, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM