Trung thần giữa thời loạn

Cải lương sang trọng quá! Đó là lời bạn mình thốt ra khi vở diễn Trung thần kết thúc, khác với hình dung về cải lương sến, cải lương bình dân... Vở buộc người xem có những kiến thức lịch sử và cả những nhạy cảm thời sự để hiểu.

1. Vở mở đầu bằng cái họa sát thân của Nguyễn Văn Thành từ bài thơ oan nghiệt của con trai mình, điểu tận cung tàng, một đời phò chúa lên vua, thân trải trăm trận, có là tổng trấn Bắc thành hay thống lĩnh Tiền quân, chốt cùng cũng là ly rượu độc. Màn một đóng lại với ưu tư của Lê Văn Duyệt và Lê Chất, nhìn trước bi kịch kẻ phò vua phải qua. Có thể nói cả vở cải lương là cái chết của ba người Thành, Chất, Duyệt được nhìn từ điểm nhìn của Duyệt. Cả ba đều được hóa thành những trung thần, quyết liệt với lý tưởng, với cách hành xử, với cả cái chết của mình. Điều đó luôn được người dân mong thấy.

2. Tả quân Lê Văn Duyệt trên sân khấu đã bộc lộ được vẻ ngoài của người có khiếm khuyết về sinh lý, vẻ cương quyết trong nét ẻo lả được Lê Trung Thảo diễn khá đẹp. Trong vở, tả quân hóa thân thành người chăm lo dân hoàn hảo, mọi nỗ lực là cho dân và vì dân. Cả câu chuyện xử chém cha vợ Minh Mạng - Huỳnh Công Lý cũng thuần túy là việc diệt trừ một kẻ gian bạo, chứ không phải là các tranh chấp ngấm ngầm bên dưới.

Vở diễn Trung thầnđược nhiều thế hệ nghệ sĩ góp công sức, tiền của thực hiện. Ảnh: HÒA BÌNH

Tất nhiên, thủ pháp cải lương luôn có người tốt đến không thực ấy, hắc bạch rõ ràng, cũng là cách cải lương gieo hy vọng về việc dễ dàng làm người. Việc để tả quân trở thành người hoàn hảo ấy, để ông được ngưỡng vọng và là gương soi cho kẻ trong quan trường hiện nay vẫn là chuyện tốt. Nuôi một giấc mơ về con người liêm chính cũng là cách để ta nhận rõ hơn những kẻ sâu mọt.

3. Nói là vở sang trọng nhưng lần đầu tiên coi cải lương tôi mới nghe nguyên văn từ “dái”. Tôi thích trường đoạn ấy quá, lúc Huỳnh Công Lý cười hắc hắc mà rằng: “Lê Văn Duyệt, ông là kẻ không dái”, còn tả quân thì gằn từng tiếng: “Ta là kẻ bất toàn, là tên không dái... nhưng ta là người”. Tiếng trống dồn lên lúc từ “dái” buông ra, các thảo dân sụp xuống giấu mặt, lớn hơn cả câu chuyện về sự thực một nhân vật lịch sử, nó còn là câu chuyện về các thể loại đạo đức, các thể loại ẩn ức đám đông. Cả nhân vật Minh Mạng, thay vì đơn giản hóa thì chỉ vài nét phác đã hiện ra rất phức tạp và cơ mưu, quyết đoán, rất lạ!

Tú Sương thủ vai bà Phận (vợ Tả quân Lê Văn Duyệt) vẫn hát hay, như cái thời sinh viên tôi từng đến các sân khấu cải lương nghe đặng làm tiểu luận. Con gái cô là Hồng Quyên (thủ vai em bé mất cha) quả thật rất tông cánh, khán giả nổi da gà khi nghe cô bé hát nức nở câu hỏi “Tại sao giết cha tôi?”. Trường Sơn vẫn là người kỳ tài, thủ vai Huỳnh Công Lý, vài nét diễn nhỏ đã khiến cả phòng ngạc nhiên, nhìn ông đứng rung cơ mặt bần bật cho nét lo sợ, thấy đẹp quá, hay quá, thương quá cải lương!

4. Địa điểm diễn là Nhà hát Bến Thành, nơi nằm lọt trong cả thành Quy nơi Tả quân Lê Văn Duyệt ngụ và thành Phụng nơi Minh Mạng dựng, hai thành ấy là nơi tả quân hóa thần và là lý do để Minh Mạng đóng bia đá, san lăng mộ trừng phạt ông.

Ngồi xem cải lương ở nơi ấy cứ nghĩ đó là nơi có khi Tả quân Lê Văn Duyệt đã từng ngồi, vạch ra bao kế hoạch, kiểm tra thuyền bè, người ngoại quốc hay có khi chỉ là nơi xem một trận đá gà hay nghe con hát..., mà thấy hay đến rờn rợn. Nhìn quanh khán giả thấy có trẻ em mê siêu nhân cho đến cụ bà trên 80, chắc phải là fan của nghệ sĩ Phùng Há trở lên, tôi nghĩ cải lương vẫn còn sức sống, nếu thay đổi, đầu tư hơn, chia thành nhiều nhánh, từ lâm ly, lãng mạn đến lịch sử sang trọng như Trung thần. Và cải lương phải sống, không hẳn vì tính dân tộc, mà vì đó là một nghệ thuật.

Trung thần còn một đêm diễn nữa vào tối nay (3-9).

Trung thần nói về Tả quân Lê Văn Duyệt, một vị quan trung quân được người dân miền Nam thờ ở lăng Ông - Bà Chiểu. Vở mang tính lịch sử nhưng lại rất gắn liền cuộc sống hôm nay với tâm sự của những người đau đáu vì vận mệnh dân tộc.

Lê Văn Duyệt trên sân khấu là vị quan thanh liêm, kiên quyết diệt trừ nạn tham nhũng, chuyên quyền, hà hiếp dân lành của bọn tham quan ô lại, dù đó là hoàng thân quốc thích.

Thế nào là một trung thần giữa thời loạn? Câu hỏi này cứ đau đáu trong lòng Tả quân Lê Văn Duyệt. Câu hỏi ấy vẫn còn vọng đến hôm nay.

Tác giả kịch bản-đạo diễn: Hoa Hạ. Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt. Thành phần nghệ sĩ: Trường Sơn, Lê Tứ, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Điền Trung…

______________________________

Trung thần là vở khởi đầu của dự án “Tôi yêu cải lương” do Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp cùng Sân khấu IDÉCAF thực hiện. Vì sự kính ngưỡng Tả quân Lê Văn Duyệt cho ngày giỗ 2-9, vở đã được nhiều nhà tài trợ mua dành hơn 300 vé để tặng cho khán giả, đồng thời tài trợ để giá vé giảm đến 50%. Vở cải lương Trung thần từng đoạt huy chương tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm