Chuyện ‘trung thần’, ‘gian thần’

Phần phát biểu này của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) tại diễn đàn QH chiều 28-10 đang gây xôn xao dư luận. Vì hiếm hoi lắm trên nghị trường QH, người dân mới thấy ĐB đề cập đến vấn đề trách nhiệm người đứng đầu gắn với “vai trò” của “trung thần, gian thần và nịnh thần” như thế.

Mở đầu cho phần phát biểu của mình, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho hay “ý kiến của tôi là tập hợp từ phản ánh, kiến nghị của cử tri, từ những người công nhân, nông dân, lao động nghèo đến các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài, các luật sư, luật gia, báo chí và các cô chú cách mạng lão thành, cán bộ, công chức về hưu”. Điều này cũng có thể hiểu rằng chuyện người gian, kẻ nịnh bên cạnh người đứng đầu từ chốn quan trường đã lọt đến tai dân chúng. Và nếu thực tế như ông Nghĩa nêu ra là có hiện tượng người lãnh đạo xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần thì tình hình quả thực là rất đáng lo ngại.

Lo ngại vì hiền tài vốn là “nguyên khí của quốc gia”, vốn đã “như lá mùa thu” rồi mà giờ bị đối xử như thế thì nguồn lực cho sự phát triển chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Một khi “trung thần” không được trọng dụng; lời sĩ phu không được lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận mà còn bị xa lánh, trù dập thì những tổn thất sẽ không dừng lại ở phạm vi cá nhân nữa mà là của tập thể và rộng hơn là cả cộng đồng. Việc lãnh đạo không sáng suốt, nhường đường cho gian thần, nịnh thần xâm lấn, lan rộng thì cũng đồng nghĩa với việc cái tốt, cái hay đang dần bị lấn át. Không nói ra thì ai cũng hiểu hậu quả khôn lường từ việc sử dụng người kiểu như thế này.

Lo ngại vì người lãnh đạo, vốn được giao trách nhiệm rất lớn, mỗi quyết định đưa ra ảnh hưởng tới số đông, nhỏ cũng là vài chục người, lớn hơn là cả ngàn người, vạn người hoặc triệu người… Nếu những quyết định đó được tham mưu từ những “gian thần, nịnh thần” - vốn có tâm không trong sáng, không vì lợi ích chung thì ẩn trong những quyết định đó sẽ mang dáng dấp của lợi ích nhóm, bè phái. Vậy lợi ích chung của cộng đồng, xã hội sẽ đặt ở vị trí nào trong những quyết định ấy?

Và lớn hơn điều này sẽ làm xói mòn niềm tin về sự công bằng, tạo nên những ngờ vực trong lòng xã hội, từ đó mà thui chột dần những giá trị dấn thân, cống hiến cho xã hội.

Để hạn chế tối đa tình trạng trên, không còn cách nào khác, xã hội rất cần những nhà lãnh đạo đủ sáng suốt để nhận ra những trung thần thật sự - những người đau đáu với các giá trị phát triển của cơ quan, đơn vị, cộng đồng, xã hội. Người lãnh đạo cũng phải đủ bản lĩnh để loại bỏ những nịnh thần và nghiêm trị những “gian thần” quanh mình.

Còn không, không có cách nào khác là phải có cơ chế để nghiêm trị những người lãnh đạo bị cuốn theo kẻ gian nịnh, gây tổn thất lớn cho cơ quan và xã hội. Vì anh chứ không ai khác phải trả giá lấy cho sự thiếu sáng suốt của mình trong sử dụng con người để gây ra những hậu quả mà người khác phải gánh lấy.

 MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm