Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Hệ thống chính trị giảm 5% biên chế đến 2026

(PLO)- Sau khi đã giảm 10% biên chế đến năm 2021 thì sẽ tiếp tục giảm 5% cho giai đoạn 2022 - 2026 nhưng không cào bằng, không máy móc mà tùy theo điều kiện của từng tổ chức, cơ quan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-7, tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết theo quy chế Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sẽ quyết định, quản lý tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Theo bà Mai, lâu nay biên chế của Chính phủ và Quốc hội do các cơ quan này tự quyết định. Ban Tổ chức Trung ương chỉ quản lý MTTQ, tổ chức chính trị, các tổ chức Đảng cấp Trung ương…. Tuy nhiên hiện nay vấn đề này đang được tính toán, sắp xếp lại.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TUẤN ĐINH

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TUẤN ĐINH

Địa phương sẽ quản lý biên chế toàn diện

Liên quan đến chủ trương biên chế, bà Mai cho biết về cơ bản tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39/2015 của Bộ Chính trị theo hướng giảm nhưng cơ cấu lại.

Cụ thể sau khi đã giảm 10% biên chế đến năm 2021 sẽ tiếp tục giảm 5% cho giai đoạn 2022-2026. Bà Mai khẳng định 5% biên chế tinh giản này sẽ không cào bằng, không máy móc mà phù hợp với nhiệm vụ, tùy theo điều kiện của từng tổ chức, cơ quan.

Bà Mai dẫn chứng, báo Nhân Dân nếu giữ như trước đây sẽ khó làm được nhiệm vụ vì chỉ có 30 biên chế. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương đã cân nhắc để phù hợp với thực tiễn vì trước đây chưa có truyền hình, báo điện tử… ở đơn vị này.

Bà Mai cũng cho biết lần này sẽ dần tách hợp đồng ra khỏi biên chế, cho phép chi thường xuyên để trả hợp đồng, đáp ứng yêu cầu công việc cơ quan; đồng thời phân cấp, phân quyền mạnh hơn.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tới đây sau khi có văn bản chính thức về vấn đề này thì giao lại cho Ban Thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, địa phương toàn quyền quyết định biên chế.

Nói rõ hơn, bà Mai cho biết tương tự việc cấp ngân sách, sau khi được giao một con số biên chế, các cơ quan sẽ họp Ban Thường vụ để tính toán số biên chế từng nơi và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị.

“Địa phương quản lý biên chế toàn diện, không phân thành hai, ba nhánh như hiện nay. Ban Thường vụ cấp ủy chịu trách nhiệm về toàn bộ số biên chế của mình, chỗ nào tăng thêm, giảm đi, chỗ nào giữ nguyên” – bà Mai nhấn mạnh. Bà cũng thông tin năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan.

“Đến khi nào biên chế được quyết định dựa trên chức năng, nhiệm vụ thì số biên chế mới chuẩn mực” - bà Mai khẳng định. Bà cũng thông tin sắp tới sẽ có quy định về quản lý biên chế, các cơ quan sẽ theo quy định này mà làm và phân công trách nhiệm từng người.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta thống nhất biên chế của toàn hệ thống chính trị, có quy định về quản lý biên chế…” – bà Mai nói thêm.

Bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn

Cũng tại hội nghị, bà Trương Thị Mai cho biết thực hiện Nghị quyết 26/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cần nhấn mạnh mục tiêu Bí thư tỉnh, thành không phải là người địa phương.

Theo bà Mai, đến nay trong cả nước có 32/63 Bí thư không phải là người địa phương. Theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ này cơ bản bố trí Bí thư tỉnh, thành không là người địa phương.

“Bí thư không phải người địa phương có tốt hơn Bí thư là người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?”- Bà Mai đặt câu hỏi.

“Bằng thực tiễn những năm công tác, tôi có thể trả lời ngay rằng về cơ bản Bí thư không phải là người địa phương sẽ tốt hơn” - bà tiếp lời. Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, một số cán bộ là dân tộc thiểu số, là đại diện cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn nên làm Bí thư ở đó. Nếu cán bộ qua địa bàn khác, không có cộng đồng đó thì có thể không phù hợp.

Bí thư không phải người địa phương cần có thời gian tiếp cận địa bàn. “Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở địa phương sẽ nhìn vào anh và soi anh; do đó anh phải khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả, nỗ lực rất lớn” – bà nói. Bà cũng cho rằng việc có người từ nơi khác đến sẽ tạo những động lực khác so với người ở địa phương.

Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND rất tốt. Bí thư làm Chủ tịch HĐND sẽ giám sát tốt hơn nhiều so với một Phó Bí thư làm Chủ tịch HĐND. "Đây cũng là một trong những cơ chế để kiểm soát quyền lực" - bà Mai nhìn nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm