Trường học chưa mạnh dạn thu ‘quỹ’ phụ huynh

(PLO)- Dù quy định cho phép nhưng nhiều trường tại TP.HCM vẫn chưa vận động kinh phí hoạt động từ ban đại diện cha mẹ học sinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 19 và 20-3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã đi khảo sát một số trường trên địa bàn quận 1, quận 12, huyện Hóc Môn về việc thực hiện Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP.HCM quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM năm học 2023-2024.

kinh phí hoạt động
Học sinh Trường Tiểu học Thới Thạnh, huyện Hóc Môn trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhiều trường không dám vận động

Tại các buổi làm việc, vấn đề được nhiều người đề cập liên quan đến việc thực hiện khoản thu theo Thông tư 55 và kêu gọi vận động tài trợ theo Thông tư 16.

Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, cho biết năm học 2023-2024 trường có 41 lớp nhưng chỉ có 17 lớp thực hiện nguồn vận động kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) lớp theo hình thức tự nguyện, 24 lớp còn lại không triển khai.

Theo dự toán khoản kinh phí hoạt động của 17 lớp trên, lớp thấp nhất là 18 triệu đồng/năm, lớp cao nhất là 55 triệu đồng/năm.

Về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường, hai năm nay không thực hiện. Việc trang bị cơ sở vật chất tại các lớp là sự hỗ trợ từ một số mạnh thường quân.

Cụ thể, vào lớp 1, nếu lớp có nhu cầu lắp máy lạnh, một số phụ huynh có điều kiện sẽ đứng ra mua và bàn giao lại cho lớp. Nó trở thành tài sản riêng của lớp, dưới sự quản lý của cha mẹ HS. Cuối năm lớp 5, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với các phụ huynh đó để quyết định tài sản trên mang về nhà hay tặng cho trường.

“Hiện nay, 100% các lớp trong trường đều được trang bị tivi thông minh, máy chiếu. Tài sản này do HS lớp 5 ra trường tặng lại. Đồng thời, khi thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, trường có trao đổi thêm với các đối tác triển khai để được hỗ trợ về cơ sở vật chất” - cô Chi nói thêm.

Tương tự, bà Lý Thị Phương Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thới Thạnh, huyện Hóc Môn, cho hay tất cả các lớp không thu kinh phí của ban đại diện cha mẹ HS. Đồng thời, trường cũng không có kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường. Trường chưa thực hiện xã hội hóa giáo dục theo Thông tư 16.

Nói rõ hơn điều này, một vị trong ban đại diện cha mẹ HS trường cho biết khi trường có sự kiện gì, các thành viên trong ban đại diện tự quyên góp.

“Trong lớp của con tôi, ngoài tôi ra có năm phụ huynh thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của lớp, không có chuyện chia đều hay cào bằng mức đóng từ các phụ huynh” - vị này cho biết thêm.

Điều này cũng diễn ra tại Trường THCS Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn.

Ông Trần Công Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn, cho biết nhiều năm qua trường không có kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.

“Bởi khi triển khai Thông tư 55, nhiều phụ huynh có ý kiến lớp có 45 HS, sinh hoạt và học tập như nhau nên không thể có việc người đóng ít, người đóng nhiều, phải chia bình quân và cào bằng mức đóng kinh phí cha mẹ HS. Nếu như vậy sẽ trái với quy định nên trường chủ trương các lớp không kêu gọi kinh phí cha mẹ HS” - ông Nghĩa thừa nhận công tác truyền thông chưa tốt nên chưa thể thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn, cho biết năm học 2023-2024, trong 63 trường chỉ có 20 trường có kế hoạch vận động tài trợ theo Thông tư 16.

“Trong năm học 2023-2024, trong 63 trường chỉ có 20 trường có kế hoạch vận động tài trợ theo Thông tư 16”

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn

Trường học cần mạnh dạn thực hiện

Trong khi các trường tiểu học, THCS còn chậm trong việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục theo Thông tư 16 thì tại các trường THPT, hoạt động này được thực hiện khá hiệu quả.

Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, cho biết năm học này, kế hoạch tài trợ của trường đã được Sở GD&ĐT TP.HCM phê duyệt với kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Sau khi được phê duyệt, việc vận động kinh phí hoạt động, tài trợ được trường thực hiện công khai. Mức đóng góp của phụ huynh không cào bằng, có người đóng 50.000 đồng nhưng cũng có người đóng 5 triệu đồng. Hiện kết thúc học kỳ 1, số tiền trường vận động được là 140 triệu đồng dùng để trang bị các rèm cửa lớp học. Trường vẫn tiếp tục vận động giai đoạn 2.

Đề cập đến vấn đề trên, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ Thông tư 16 là vận động tài trợ. Do đó, trường được phép vận động về nguồn lực cơ sở vật chất và hoạt động giáo dục cho HS. Trường phải có kế hoạch, được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, phải công khai rõ ràng.

“Đa số các trường đều không có kế hoạch vận động tài trợ. Tôi tiếc vì nguồn lực xã hội nhiều nhưng không được tận dụng. Các trường không có gì phải sợ. Cứ theo Thông tư 16 mà thực hiện cho đúng. Nếu không có kế hoạch, làm sao phụ huynh biết trường cần gì để đóng góp” - ông Huy nói.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, lưu ý các trường cần mạnh dạn thực hiện Thông tư 55. Việc vận động kinh phí cha mẹ HS là cần thiết vì hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động giáo dục của lớp, của trường. Quan trọng là cách thu ra sao, cách sử dụng như thế nào để tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.

“Đặc biệt mạnh dạn áp dụng Thông tư 16 để huy động các nguồn lực trong xã hội tài trợ cho giáo dục. Mô hình chìa khóa trao tay khá hay, các trường cần nghiên cứu có kế hoạch thực hiện” - ông Bình nói.•

Nghiên cứu làm rõ vấn đề

Trong công tác quản lý sắp tới, quận sẽ có những nghiên cứu để đi sâu, làm rõ hơn bản chất các nguồn hỗ trợ, vận động theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu. Đồng thời quan tâm làm rõ tại sao thực tế các trường lại chưa mạnh dạn tổ chức thu các nguồn kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS.

MAI THỊ HỒNG HOA, Phó Chủ tịch UBND quận 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm