Sở GD&ĐT TP.HCM: Trường học không tổ chức thu quỹ lớp, quỹ trường

(PLO)- Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh các trường không để phát sinh các nguồn thu bất hợp lý, không thu quỹ lớp, quỹ trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-10, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức họp giao ban hiệu trưởng các trường phổ thông công lập.

Thu đúng, thu đủ

Tại cuộc họp, ông Trần Khắc Huy cho biết từ đầu năm học phòng Kế hoạch Tài chính đã triển khai công văn về hướng dẫn các khoản thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có một vài đơn vị chưa thực hiện nghiêm về công tác thu, sử dụng học phí và các khoản thu đầu năm tạo dư luận không hay. Do đó, phòng đã tham mưu Phó giám đốc ký văn bản về chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học và vận động tài trợ, hoạt động kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trường học không tổ chức thu quỹ lớp, quỹ trường
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh trong trường học không phát sinh các loại quỹ tại các lớp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các trường cần lưu ý, về nội dung thu, nghiên cứu thật kỹ nghị quyết 04 của HĐND TP, trong đó phải đảm bảo thu đúng tên 26 nội dung của 4 nhóm.

Trước đây, chỉ có 3 nội dung thu gồm thu học phí, thu thỏa thuận và thu hộ chi hộ. Tuy nhiên, năm nay Sở GD&ĐT đã tham mưu cho HĐND TP ban hành Nghị quyết 04 định danh rất rõ 26 nội dung thu thuộc 4 nhóm.

Các trường phải thu đúng tên 26 nội dung thu, không được đặt tên thêm hoặc bổ sung thêm các khoản thu khác sai quy định.

Trên cơ sở nội dung thu, các trường phải xây dựng dự toán thu chi của tất cả các nội dung thu. Tất cả 26 khoản thu đều thu mức tối đa nhưng các trường không được thu mức này, căn cứ từng nội dung thu phải có dự toán và tổ chức thu đúng quy định, thu đủ, chi đủ, không phát sinh khoản dư của các nội dung này.

“Các trường không để phát sinh các nguồn thu bất hợp lý không đúng quy định, tất cả các khoản thu phát sinh trong đơn vị phải do hiệu trưởng quyết định, không để phát sinh thu các loại quỹ. Vừa rồi, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã chấn chỉnh vấn đề này, không có khái niệm thu quỹ cha mẹ học sinh trường, lớp. Tất cả các hoạt động đều dành cho học sinh. Do đó, đề nghị lãnh đạo các trường nắm rõ, hướng dẫn ban đại diện cha mẹ học sinh thu đúng quy định và chịu trách nhiệm đối với các khoản thu bất hợp lý, không đúng quy định tại các lớp” - ông Huy nhấn mạnh.

"Làm đúng quy định sẽ khó cho học trò"

Thực tế hiện nay, nhiều trường THPT trên địa bàn đang gặp khó trong việc xếp thời khoá biểu. Vấn đề này được nhiều thầy cô đề cập tại cuộc họp.

Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, Quận 12 tâm tư: “Có những chuyện làm đúng quy định chưa chắc hợp lý. Một số trường có một số buổi xếp thời khoá biểu 9 tiết, nhưng hôm nay Sở GD&ĐT lưu ý phải thực hiện theo đúng quy định nên sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên khi sửa, tôi lại thấy thương học trò vì phải đi thêm ngày, đi thêm buổi, cũng chưa chắc là hay”.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 cho hay việc thực hiện chương trình ngoài giờ chính khoá, trong đó ưu tiên thực hiện đề án dạy tin học theo chuẩn quốc tế, dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục thể thao cần sự đồng thuận của cha mẹ học sinh về các mức thu theo Nghị quyết 04. Tạo được sự đồng thuận đã khó, việc xếp thời khoá biểu còn gian nan hơn.

“Đối với các môn học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trung bình 30 tiết/ tuần, thêm số tiết buổi 2 sẽ tăng lên 38 tiết. Những tiết học ngoài giờ như Sở quy định phải từ 4-6/tiết tuần, nên trường xếp thời khoá biểu qua ngày thứ 7. Nhưng khi triển khai, phụ huynh đa phần không đồng ý. Họ muốn lồng ghép vào các ngày trong tuần để con em được nghỉ vào ngày thứ bảy điều này đồng nghĩa sẽ phải học 9 tiết/ngày là không đúng quy định”, ông Đảo nói.

Từ khó khăn trên, vị hiệu trưởng này đề xuất Sở giao quyền tự chủ, cơ chế mở cho lãnh đạo các trường trong việc thực hiện đề án, lồng ghép các tiết, xếp thời khoá biểu. Dựa vào ý kiến cha mẹ học sinh, nhà trường có thể tổ chức thêm các tiết văn hoá, giúp học sinh ở buổi thứ 2 có nhiều giờ hơn để ôn tập.

không-thu-quy-lop-quy-truong.JPG
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định các trường phải thực hiện việc xếp thời khoá biểu theo đúng quy định, không gây quá tải. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết thầy cô nên nhớ rằng việc dạy học phải mang tính vừa sức. Nếu dạy quá tải việc học cũng không mang lại hiệu quả.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc thiết kế thời khoá biểu 2 buổi/ngày ở bậc trung học tối đa không quá 8 tiết/ngày, mỗi tuần không quá 6 ngày. Quy định trên đã được nghiên cứu, do đó các trường không nên tăng tiết khi đưa thêm các chương trình nhà trường.

Đối với khối 12, các trường đừng đặt nặng việc thực hiện chương trình nhà trường bởi lộ trình các đề án không áp đặt đối với học sinh cuối cấp, tránh quá tải.

“Tôi hoan nghênh các trường thiết kế buổi 2 vừa sức, không đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng gây áp lực cho học sinh. Các chương trình đề án nên áp dụng cho học sinh khối 10, 11" - ông Tân nhấn mạnh.

Cân nhắc kỹ khi đưa học sinh ra nước ngoài vì việc công

Thời gian gần đây UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành chấn chỉnh việc đi nước ngoài. Khi đi nước ngoài phải có báo cáo, làm hồ sơ.

Đặc biệt đối tượng đi nước ngoài theo diện đi việc công như đưa học sinh đi tham gia các kỳ thi thì phải nghiên cứu kỹ và cẩn thận.

Sở GD&ĐT lưu ý hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong việc cử đoàn đi nước ngoài theo diện việc công. Hiệu trưởng phải xác định rõ đoàn đó đi nước ngoài là phục vụ công việc gì cho trường.

(Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm