Theo ông Hào, Luật TTHC 2010 không có quy định riêng, trực tiếp về điều kiện, thủ tục xét xử vắng mặt tất cả người tham gia tố tụng. Trong thực tiễn xét xử, tòa vẫn có thể tiến hành xét xử vắng mặt tất cả người tham gia tố tụng nhưng phải vận dụng nhiều quy định có liên quan.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, điều 168 Luật TTHC 2015 quy định việc xét xử vắng mặt tất cả người tham gia tố tụng chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện, bao gồm: Người khởi kiện, đại diện hợp pháp của người khởi kiện có đơn xin xét xử vắng mặt. Đồng thời, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TAND Tối cao. ảnh: NGUYỄN TÂN
Về thủ tục xét xử, ông Hào cho biết, sau khi khai mạc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa công bố lý do đương sự vắng mặt hoặc đơn của đương sự đề nghị xét xử vắng mặt. Tiếp đó, chủ tọa công bố tóm tắt nội dung vụ án và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX thảo luận về những vấn đề cần giải quyết.
Sau khi Kiểm sát viên phát biểu ý kiến, HĐXX tiến hành nghị án và tuyên án.