Trường mầm non ở khu công nghiệp ‘đói’ giáo viên

Tọa lạc trên đường Bùi Văn Ba, quận 7, Trường Mầm non KCX Tân Thuận được xây dựng khá khang trang với bốn tầng. Ngôi trường đang trong giai đoạn hoàn tất những khâu cuối cùng để kịp khánh thành vào đầu tháng 6 tới. Đây là dự án duy nhất của quận 7 để giải quyết nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Trường được xây dựng trên diện tích hơn 2.000 m2, đáp ứng chỗ học cho 510 trẻ với 17 lớp (sáu lớp nhà trẻ và 11 lớp mẫu giáo). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chỉ gần hai tháng nữa đi vào hoạt động nhưng đến nay quận 7 vẫn chưa có đề án phân bổ nhân sự cho trường.

Trường xây xong, giáo viên chưa có

Trước thực tế này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, không khỏi lo lắng: “Trường gần xây xong mà chưa tính phương án nhân sự là quá chậm, thiếu tính chủ động. Việc tuyển dụng nhân sự cho khối mầm non vốn là khó khăn chung của TP từ trước đến nay nên chúng ta phải tính toán sớm, thuyên chuyển hay tuyển mới như thế nào. Đáng lẽ trước khi xây trường là phải có đề án nhân sự rồi, còn như thế này, đến lúc trường hoạt động liệu có người để làm hay không?”.

Theo đại diện Phòng GD&ĐT quận này, khi đi vào hoạt động, trường cần 55 giáo viên, cán bộ và nhân viên. Trước mắt quận sẽ điều chuyển một số cán bộ, giáo viên từ các trường mầm non công lập khác trên địa bàn quận về nhận công tác trong khi chờ đề án tuyển dụng giáo viên mới.

Khó khăn hơn, quận Bình Tân triển khai xây dựng hai dự án trường mầm non là trường Đỗ Quyên và Hồng Mai (cùng ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Tuy nhiên, dự án Trường Hồng Mai đang bị tạm ngưng do gặp khó khăn trong giải tỏa mặt bằng. Riêng Trường Đỗ Quyên với quy mô 20 phòng học và phòng chức năng cũng đang hoàn hiện để đưa vào sử dụng đầu tháng 5 tới.

Thế nhưng vấn đề lớn mà quận đang gặp phải là chuẩn bị giáo viên cho trường mới và cả toàn quận cho năm học 2016-2017. Bởi theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận, quận đang thiếu 146 biên chế giáo viên, trong đó riêng trường mới là mầm non Đỗ Quyên thiếu 44 giáo viên.

“Chưa kể năm học tới, quận tiếp tục tăng 250 lớp với hơn 10.000 học sinh, tức sẽ cần thêm gần 700 giáo viên cho các trường công lập. Để đảm bảo dạy và học, nhiều trường phải tinh giản bộ máy quản lý chỉ còn một hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng kiêm nhiệm” - ông Tuyên nói.

Trong lúc chờ trường, nhiều công nhân gửi con tại các trường tư thục, nhóm trẻ để thuận tiện cho công việc. Trong ảnh: Cô trò trong giờ học tại Trường Mầm non Tây Thạnh, gần KCN Tân Bình. Ảnh: P.ANH

Vui nhưng lo nhiều bề

Chia sẻ với chúng tôi về việc cho con đi học, chị NTHT, công nhân của công ty sản xuất bao bì Nhật Bản trong KCX này, cho biết con chị gần bốn tuổi. Vì hai vợ chồng chị đều làm công nhân trong KCX nên chị đang gửi con tại một lớp tư thục với giá gần 1 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền tăng giờ. Vì chồng chị thường làm ca đêm nên sáng chồng đưa con đến lớp rồi chiều chị đón về. bữa nào chị tăng ca thì gọi cho cô giáo nhờ trông con đến 8 giờ tối. Vì lớp tư thục này cũng là nhà của cô chủ nhiệm lớp nên đưa đón con thuận tiện.

Khi nói đến sắp có trường mới, chị T. cho rằng không có ý định chuyển chỗ học cho con. Theo chị T., năm ngoái chị có đi xin học cho con ở một số trường công bên ngoài nhưng không được vì không thuộc diện ưu tiên.

“Mỗi lớp, trường nhận rất ít trẻ, nếu ưu tiên cho người trên địa bàn còn phải xét chính sách này nọ thì làm sao đến lượt công nhân. Hơn nữa chúng tôi cũng không thể đón con sớm hơn 6 giờ chiều được, trong khi hầu hết trường công, thậm chí trường tư cũng thường trả trẻ sớm hơn giờ đó. Có trường mới thì vui đó nhưng có xếp hàng dài thì cũng chỉ làm khó cho trường thôi, trừ phi mỗi doanh nghiệp trong KCX đều có trường riêng thì mới có hy vọng” - chị T. tâm tư.

Vợ chồng chị Đỗ Thị Liên, làm việc trong KCX Linh Trung 1, cho hay họ biết việc xây trường từ cách đây hai năm và thấy vui khi trường đang dần hoàn tất. Anh chị có hai con, một bé gần bốn tuổi và một bé vừa tròn một tuổi. Bé lớn được đi học tại một lớp gần nhà, còn bé nhỏ có bà ngoại trông mỗi ngày nên anh chị cũng yên tâm làm việc. Tuy nhiên, anh chị không có hộ khẩu, chỉ đăng ký tạm trú ngắn hạn vì chuyển trọ thường xuyên nên việc xin học cho con sẽ khó hơn.

“Nói là trường cho con em công nhân nhưng giờ giấc không theo công nhân thì khó gửi con lắm. Mình chịu khó gửi các lớp tư bên ngoài vẫn tiện hơn, chỉ lo ăn uống và ngủ nghỉ của con thôi chứ về tiền cũng không cao lắm. Còn trường công phát sinh cái gì thu tiền cái đó, đón sớm đón trễ cũng bị nói này nọ khiến phụ huynh cũng phiền” - chị Liên chia sẻ.

Phải ưu tiên trên hết cho công nhân

Vì đây là trường ở các KCN-KCX nên khi tuyển sinh phải ưu tiên con em công nhân trước và hoạt động theo công việc đặc thù của công nhân. Vì vậy, các phòng GD&ĐT phải xác định với những trường này phải có kế hoạch nhận trẻ ngày thứ Bảy và ngoài giờ vì nhu cầu công nhân rất nhiều. Để làm được, các quận phải làm công tác tư tưởng, động viên, có phương án và chính sách hỗ trợ cho đội ngũ khi làm thêm ngày thứ Bảy để họ yên tâm. Đồng thời, làm việc với các KCN-KCX để có hỗ trợ thêm cho công nhân trong việc gửi trẻ.

THI THỊ TUYẾT NHUNG,
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM

TP.HCM có tổng cộng 15 KCX-KCN đang hoạt động và đã có 23 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng quỹ đất là 58.745 m2, dự kiến đáp ứng khoảng 6.650 trẻ em. Trong đó: Sáu dự án đã đi vào hoạt động (KCN Hiệp Phước, KCN Tân Bình, KCN Cát Lái), đáp ứng cho 1.930 trẻ; sáu dự án đang trong quá trình triển khai thi công và 11 dự án đã dành quỹ đất để chuẩn bị đầu tư.

Phần lớn trong số này là dự án do chủ đầu tư KCX-KCN đồng thời là chủ đầu tư xây dựng trường mầm non khu đô thị liền kề KCN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm