Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa hoàn tất điều tra vụ án buôn lậu xảy ra tại cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 5 bị can về 2 tội danh: buôn lậu và kinh doanh trái phép.
Trong số này có bị can - người mẫu Lê Xuân Vĩnh Thụy (SN 1988), bị đề nghị truy tố về tội danh kinh doanh trái phép (Điều 159 - BLHS). Vụ án bắt nguồn từ công văn do Đại tá Richard Tery - Trưởng sỹ quan liên lạc Cảnh sát liên bang Úc (viết tắt là AFP) tại Hà Nội, gửi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, cung cấp thông tin về việc AFP đang tiến hành điều tra chuyên án trộm cắp có liên quan đến đối tượng Đỗ Thanh Lâm (SN 1975), và một số đối tượng là người Việt Nam, hiện đang sinh sống tại thành phố Sydney, có hành vi trộm cắp hơn 180 chiếc máy tính xách tay hiệu “Apple Macbook” tại sân bay Sydney sau đó đưa về Việt Nam tiêu thụ. Vị đại diện AFP đề nghị Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm hỗ trợ điều tra vụ việc này.
Siêu mẫu Vĩnh Thụy
Quá trình tổ chức xác minh, cơ quan Công an Việt Nam xác định Đỗ Thanh Lâm, quê quán ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; sinh sống ở thành phố Sydney từ tháng 11-2006, với ngành nghề kinh doanh băng đĩa nhạc. Nhiều thông tin cho biết, Lâm là một trong những đầu nậu băng đĩa lớn ở nước ngoài về Việt Nam cũng như từ trong nước ra hải ngoại. Quá trình kinh doanh, Lâm còn đứng ra làm dịch vụ vận chuyển hàng thuê cho cộng đồng người Việt tại Sydney về TP Hồ Chí Minh, với các mặt hàng chính là đồ gia dụng và tiền đô la Úc (AUD). Việc giao dịch giữa Lâm và các “đối tác” - trong đó có nhiều tiếp viên - được thực hiện ngay tại nơi ở của “đối tác” bên Sydney. Về Việt Nam, các “đối tác” sẽ được Lâm giới thiệu gặp “chân rết” cũng chính là người nhà của anh ta Đỗ Thị Ngọc Bích (SN 1969), trú tại phường 27, quận Bình Thạnh, và Nguyễn Minh Hoàng, anh rể của Lâm. Trước mỗi vụ vận chuyển hàng, Lâm gọi điện thoại trước cho Bích và Ngọc Anh - vợ của Hoàng, để biết số lượng hàng, địa chỉ nơi ở và số điện thoại của “đối tác” vận chuyển hàng về. Các phi vụ vận chuyển hàng diễn ra từ tháng 10-2008, trung bình mỗi tuần 2 lần với mỗi kiện hàng có trọng lượng 20-30 kg, nên đến khi bị “mời” đến CQĐT, Hoàng, Bích, Ngọc Anh đã… không nhớ chính xác cụ thể số lượng, chủng loại cũng như danh sách khách nhận hàng. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng, sơ bộ các kiện hàng đã nhận vào khoảng trên 400 kiện, trị giá hơn 110.000 AUD, tương đương hơn 1,5 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý, toàn bộ số hàng này đều không nộp tiền cước theo quy định của ngành hàng không. Trên các kiện hàng từ nước ngoài về đều có ký hiệu riêng; ví dụ như “Bích” hoặc “Nhím” (tên thường gọi của Đỗ Thị Ngọc Bích), hay “Docc” (trung tâm khai thác), “Crew” (phi hành đoàn). CQĐT Bộ Công an làm rõ, trong các “phi vụ” vận chuyển hàng trên, có hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia với vai trò “đối tác” của Đỗ Thanh Lâm. Qua quá trình điều tra, truy xét, CQĐT Bộ Công an đã đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 5 bị can về 2 tội danh buôn lậu và kinh doanh trái phép gồm Nguyễn Đức Vũ (SN 1975), nhà ở phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh, nguyên tổ phó tổ hành khách - phòng dịch vụ khách hàng, trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất; Nguyễn Minh Hoàng (SN 1963), nhà ở phường 27, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; Phạm Tiến Trung (SN 1982), nhà ở phường 8, quận Gò Vấp; Thái Anh Tiến (SN 1981), nhà ở phường 15, quận 8, là tiếp viên hàng không; và Lê Xuân Vĩnh Thụy (SN 1988), nhà ở phường 26, quận Bình Thạnh, làm nghề người mẫu. CQĐT xác định, từ tháng 3-2010, bị can Lê Xuân Vĩnh Thụy đã “nhập” của các đối tượng buôn lậu 75 thiết bị điện tử trị giá gần 900 triệu đồng, chủ yếu gồm 2 mặt hàng là điện thoại di động Iphone và máy tính xách tay hiệu Apple Macbook. Bị can Lê Xuân Vĩnh Thụy đã bán toàn bộ 75 thiết bị điện tử cho một cá nhân ở phường 11, quận 10; để từ đó, cá nhân này tiêu thụ cho khách hàng vãng lai. Khi bị CQĐT mời đến làm việc, Lê Xuân Vĩnh Thụy đã tự nguyện giao nộp 6 triệu đồng và 150 USD, là số tiền lãi mà người mẫu này có được qua việc giao dịch trên. CQĐT Bộ Công an kết luận bị can Lê Xuân Vĩnh Thụy có hành vi kinh doanh trái phép, với số tiền thu nhập bất chính gần 8,8 triệu đồng. “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, các đối tượng tham gia trong vụ án có sự câu kết, chỉ đạo, phân công và thực hiện hành vi phạm tội một cách chặt chẽ”, bản kết luận điều tra của CQĐT Bộ Công an nhận định. Cùng với việc đề nghị truy tố 5 bị can nêu trên, cơ quan công an đã có kiến nghị đến những “địa chỉ” cần thiết để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các bộ phận, cá nhân liên quan; đồng thời củng cố, tách các hành vi của những người này để xử lý khi bắt được đối tượng đầu vụ: Đỗ Thanh Lâm. Theo Hoàng Quân (An ninh Thủ đô)