VKSND tỉnh Hưng Yên vừa hoàn tất bản cáo trạng, truy tố bị can Hoàng Thị Hiền (49 tuổi, trú huyện Khoái Châu) về tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 3 Điều 242 BLHS năm 1999. Bà Hiền là nữ y sĩ được xác định đã gây ra vụ 103 bé trai bị mắc bệnh sùi mào gà, gây chấn động dư luận vào năm 2017.
103 bé trai thành nạn nhân
Theo cáo trạng, bị can Hoàng Thị Hiền là y sĩ tại Trạm Y tế xã Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) từ năm 1995. Đến năm 2014, bà Hiền được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng.
Do có người quen đến nhờ khám chữa bệnh (KCB) và muốn kiếm thêm thu nhập nên cuối năm 2013, bà Hiền đã chuẩn bị các dụng cụ như giường, ghế, tủ thuốc, panh, kéo, nước muối sinh lý,... để phục vụ cho việc KCB tại nơi ở.
Từ năm 2015, mặc dù không có chuyên môn và không có giấy phép hoạt động nhưng bà Hiền bắt đầu tiến hành KCB bộ phận sinh dục cho các cháu trai trên địa bàn các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ với thủ thuật nong dãn bao quy đầu, mức phí 300.000-520.000 đồng/bé.
Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2016 đến tháng 7-2017, bà Hiền đã làm thủ thuật này cho 103 cháu nhỏ. Sau một thời gian, các cháu bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nhỏ trên dương vật. Gia đình đã đưa các cháu đến BV Da liễu Trung ương (Hà Nội) để khám, xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà nên đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên.
Sở Y tế tỉnh Hưng Yên xác định bà Hiền cung cấp dịch vụ KCB không có giấy phép; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở KCB. Ngày 26-7-2017, chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định xử phạt hành chính 100 triệu đồng đối với bà Hiền vì vi phạm các tiêu chuẩn y tế. Ngày 26-12, bà Hiền bị bắt tạm giam, quyết định xử phạt trên bị hủy bỏ.
Cáo trạng kết luận bị can Hiền đã tiến hành KCB và nong dãn bao quy đầu trái quy định, không có giấy phép hoạt động, không có đủ trình độ chuyên môn và không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn dụng cụ. Hành vi nêu trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm lây nhiễm bệnh sùi mào gà cho 103 cháu nhỏ, gây tổn hại sức khỏe cho 100 cháu (gia đình ba cháu từ chối giám định) với tỉ lệ tổn thương cơ thể tổng cộng là 924%.
Bị can Hoàng Thị Hiền. Ảnh: CT
Quy trình rợn người
Cũng theo tài liệu truy tố, quá trình thực hiện thủ thuật nong dãn bao quy đầu cho 103 bé trai, bà Hiền đã yêu cầu thân nhân cởi quần các cháu, bà Hiền đeo găng tay (có khi đeo hai tay, có khi chỉ đeo một tay), một tay giữ thân dương vật còn một tay dùng dung dịch Povidine sát khuẩn đầu quy rồi cầm lọ nước muối sinh lý nhỏ trực tiếp vào. Tiếp đó, bà Hiền dùng tay vuốt cho da bao quy đầu tuột khỏi đầu quy, lấy bông lau cặn bã bám đọng và dùng thuốc Tetracylin bôi vào khu vực vết thương.
Sau khi nong dãn bao quy đầu xong, bà Hiền đưa thuốc cho người nhà và dặn 1-2 ngày đưa các cháu đến vệ sinh bộ phận sinh dục. Mỗi cháu được vệ sinh 2-3 lần. Các lọ dung dịch Povidine, thuốc Tetracylin và nước muối sinh lý sau khi sử dụng không hết, bà Hiền đều cất đi và dùng cho các cháu khác đến khi hết mới vứt vỏ.
Ngày 20-7-2017, bà Hiền giao nộp cho CQĐT một số đồ vật liên quan đến KCB cho các cháu nhỏ. Kết luận giám định của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy 4/5 mẫu vật (kéo, panh, hộp đựng dụng cụ, lọ thuốc sát khuẩn Povidine) có ADN của virus HPV type 6 có nguồn gốc lây nhiễm từ người. Bà Hiền đã sử dụng thủ thuật can thiệp vào quy đầu bằng một số dụng cụ y tế bị nhiễm virus HPV.
Sau khi các nạn nhân nhập viện, BV Da liễu Trung ương đã miễn phí điều trị cho 103 cháu nhỏ này với số tiền trên 394 triệu đồng, đồng thời xác định tổng số tiền của gia đình 103 cháu bị mắc bệnh sùi mào gà đã thanh toán cho bệnh viện hơn 552 triệu đồng.
“Trong quá trình điều tra, Hoàng Thị Hiền đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của đại diện người bị hại và kết luận giám định, cũng như các tài liệu điều tra khác có trong vụ án” - cáo trạng nêu.
Quản lý tại địa phương yếu kém Kết luận điều tra của CQĐT Công an tỉnh Hưng Yên cho rằng bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì vụ án xảy ra một phần cũng do công tác quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chuyên môn ở địa phương trong việc giám sát, phát hiện và ngăn chặn tội phạm. |