Trong cuốn sách được chào mời trên một trang mạng rằng “Nên đọc cho con mỗi đêm” này có những tình tiết, cách miêu tả câu chuyện rất đáng lo ngại. Từ việc mẹ bày cho con lập mưu giết ông ngoại đến những từ ngữ miêu tả cảnh chém giết bạo lực.
Trả lời chúng tôi về những nội dung kể trên, bà La Kim Liên, Phó Giám đốc NXB Văn học, bày tỏ: “Sách tái bản nên đôi khi NXB phải tuân thủ theo bản sách cũ, tình tiết đó bấy lâu xã hội không để ý nên coi như đã thông qua. Đó là chuyện cổ tích nên có dị bản, theo quan điểm kể của người xưa, tác giả chỉ cắt bớt chứ không bao giờ thêm vào”. Giải thích của bà Kim Liên cũng từng được vận dụng nhiều trong cuộc tranh luận về những tình tiết trong truyện Tấm Cám, khi cô Tấm hiền lành được miêu tả với những hành động tàn ác, lạnh lùng. Bà Liên cho rằng để những truyện cổ tích được chỉnh sửa theo quan điểm hiện đại cần phải có những thảo luận về mặt khoa học.
Cuốn 100 truyện cổ tích đặc sắc của NXB Văn học có chi tiết mẹ bày cho con lập mưu giết ông ngoại. Ảnh: VT
Rõ ràng vai trò của truyện cổ tích đối với tâm hồn con trẻ đã nhiều lần được khẳng định. Bằng việc trung thành với cốt truyện thiện thắng ác, người tham lam, dối trá sẽ gặp quả báo…, truyện cổ tích đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ nhiều thế hệ, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo.
Tuy nhiên, bối cảnh cuộc sống đã có sự thay đổi chóng mặt. Cũng như câu chuyện lễ hội, một lễ hội trước kia được coi là phản ánh cuộc sống của cộng đồng, ngày nay lại trở thành đi ngược lại với đời sống văn minh hiện đại. Truyện cổ tích cũng thế, ở bối cảnh xã hội xưa nó có thể đem đến những giá trị đáng trân trọng nhưng trong bối cảnh ngày nay với sức lan tỏa rộng lớn của nó cũng cần phải có một bộ lọc lớn hơn.
Nhiều tác giả đã thử nghiệm việc chỉnh sửa cốt truyện cổ tích nhằm giảm đi những yếu tố tiêu cực, tuy nhiên thể nghiệm này thường bị phản ứng. Đúng như bà Kim Liên đã nói, để chỉnh sửa theo tâm lý, xã hội hiện đại cần phải có những bàn luận về mặt khoa học, chuyện đó chắc còn phải bàn dài. Có một việc mà các NXB có thể làm ngay được đó là củng cố bộ lọc của mình để những lời lẽ, cốt truyện gieo vào trẻ thơ những điều xấu được loại dần.
Đã đến lúc cần phải giật mình trước những truyện cổ tích không phù hợp. Tâm hồn trẻ em như tờ giấy trắng được dung nạp một cách tự nhiên mà không có chọn lọc. Sự chọn lọc đó phải từ phía người lớn chúng ta, cụ thể là từ những người làm sách.