Từ 1-7, chưa có CCCD gắn chip, muốn chuyển tiền từ 10 triệu/lần phải đi ngân hàng

(PLO)- Vẫn còn khoảng 1 triệu người dân chưa chuyển đổi sang CCCD gắn chip nên tài khoản thanh toán của những người này có thể chuyển khoản online trên 10 triệu đồng kể từ 1-7 được không là điều được nhiều người quan tâm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để ngăn chặn lừa đảo, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, kể từ 1-7 tới đây, Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, với những giao dịch chuyển khoản online có giá trị từ 10 triệu đồng/lần trở lên và trên 20 triệu đồng/ngày, chủ tài khoản sẽ phải xác thực bằng sinh trắc học.

Hết sợ bỗng dưng mất tiền trong tài khoản

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, quy định trên nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Đồng thời đây cũng là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng, cũng là cơ hội để ngân hàng làm sạch dữ liệu khách hàng, cập nhật giấy tờ tuỳ thân của khách hàng.

Theo đó, với các giao dịch chuyển khoản trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.

Triển khai Quyết định 2345/2023, thời gian qua, các ngân hàng đã gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và CCCD gắn chip trước ngày 1-7 để tránh gián đoạn giao dịch.

xác thực thông tin CCCD gắn chip.jpg
Các ngân hàng tích cực hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học giữa tài khoản thanh toán và CCCD gắn chip. Ảnh: T.L

Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã và đang tích cực tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD gắn chip bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thu thập tại quầy, trên nền tảng ứng dụng mobile của ngân hàng.

Trong đó, một số ngân hàng đã thu thập được lượng khách hàng lớn như VietinBank đã có hơn 300.000 khách hàng đăng ký sinh trắc học; MB thu thập sinh trắc học cho gần 400.000 khách hàng, BIDV cũng có hơn 200.000 khách hàng đã đăng ký sinh trắc học…

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: "Ngay khi Quyết định này được công bố cuối năm 2023, TPBank đã lập tức chuẩn hóa và thực hiện bổ sung các quy định về việc thu thập, xác thực sinh trắc học bằng việc bổ sung giải pháp đọc NFC lấy thông tin từ CCCD được phát hành bởi Bộ Công an để so khớp với Cơ sở dữ liệu sinh trắc học cũ.

Từ đầu tháng 4-2024, chúng tôi bắt đầu thu thập và chuẩn hoá dữ liệu, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 mẫu khuôn mặt và CCCD gắn chip được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả các kênh (mobile banking, internet banking, quầy và LiveBank 24/7), ông Hưng nói.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: Theo quan sát của NHNN, số lượng giao dịch chuyển khoản trực tuyến có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% trong tổng số giao dịch. Còn nếu tính tổng số người có giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số giao dịch.

Không có căn cước thì phải giao dịch tại quầy

Với việc rà soát dữ liệu của khách hàng hiện hữu, cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng theo Quyết định 2345 nhằm ngăn chặn các hình thức lừa đảo, bảo vệ an toàn cho các tài khoản ngân hàng và người dân Việt Nam.

Chia sẻ với PLO, chị T.H nói: Hiện nay, tôi đã có CCCD gắn chíp và vẫn còn hiệu lực đến ngày 16-7-2039 nên việc cập nhật thông tin theo thông báo của ngân hàng rất dễ dàng. Tuy nhiên tôi cũng băn khoăn rằng liệu có phải từ ngày 1-7 tới đây, những ai còn sử dụng CMND, chưa làm CCCD gắn chip sẽ không thể thực hiện được việc chuyển tiền trực tuyến với giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hay không?”.

Để tìm câu trả lời, phóng viên PLO đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank về vấn đề này.

Bà Phượng cho biết: Kể từ ngày 1-7 tới đây, với những khách hàng chưa có CCCD gắn chip (từ 1-7 sẽ là thẻ căn cước), muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày sẽ phải đến quầy để thực hiện chuyển khoản, chứ không thể chuyển khoản theo hình thức trực tuyến.

Tương tự, đại diện ngân hàng BIDV cho biết thêm: "Theo báo cáo của Bộ Công an vẫn còn 800.000 – 1.000.000 người dân chưa thực hiện làm CCCD gắn chip. Do đó, với những trường hợp khách hàng có tài khoản thanh toán nhưng đến nay vẫn chưa có CCCD gắn chip, khách hàng phải ra công an để được cấp CCCD gắn chip. Trường hợp không cấp được thì khách hàng buộc phải đến các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để thực hiện giao dịch chuyển tiền hoặc chuyển khoản online dưới hạn mức được quy định tại Quyết định 2345".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm