Từ 25-3: TP.HCM quyết liệt xử lý vấn nạn tiếng ồn

Từ ngày 25-3, trên địa bàn TP.HCM bắt đầu tăng cường tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn theo Công văn 797 của UBND TP.HCM.

Theo đó, UBND TP yêu cầu các quận, huyện cùng một số sở, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, người dân ký cam kết không vi phạm về tiếng ồn.

Thời gian thực hiện tăng cường xử lý tiếng ồn tập trung từ ngày 25-3 đến 30-6, với chủ đề “Vấn nạn tiếng ồn và hành động của chúng ta”.

Người dân hát karaoke bằng loa kẹo kéo trên phố đi bộ Bùi Viện,
quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Công khai kết quả xử lý

Theo ghi nhận của PV, trên đường Phạm Văn Đồng thuộc phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM là một trong những khu vực tập trung khá đông các quán nhậu. Nơi này thường xuất hiện vấn nạn hát karaoke bằng loa kẹo kéo với những âm thanh hỗn tạp từng bị người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV, ông Vũ Nam Hưng, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, cho biết với quyết tâm lập lại trật tự đô thị trên địa bàn, Đảng ủy phường đã chỉ đạo UBND, công an phường và tổ công tác trật tự đô thị ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị hằng tuần. Sau những đợt kiểm tra, phường đều công khai kết quả kèm những hình ảnh xử lý trên trang web của phường để người dân theo dõi.

Để xử lý tình trạng tiếng ồn trên địa bàn, UBND phường đã mở hai đợt ra quân xử lý tiếng ồn, đã lập 16 biên bản vi phạm, tạm giữ nhiều phương tiện liên quan. Trước mắt, phường đã ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 6 triệu đồng.

Trước đó, phường cũng đã tổ chức đối thoại với các chủ quán kinh doanh và đề nghị các quán không được mở nhạc lớn. Tuy nhiên, trên thực tế có một số quán do cạnh tranh nhau đã mở nhạc to làm ảnh hưởng đến người dân. Qua phản ánh, phường cũng đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở.

 

Cổng thông tin 1022 có các kênh nhận phản ánh của người dân như qua tổng đài, Mobile App, cổng thông tin điện tử (https://1022.tphcm.gov.vn), Facebook (người dân sẽ dùng tài khoản Facebook của mình truy cập vào fanpage 1022 tại địa chỉ http://www.facebook.com/1022tphcm và thực hiện nhắn tin phản ánh) và qua email (1022@tphcm.gov.vn).

(Theo Sở TT&TT)

“Trước đây, phường có ký hợp đồng với một đơn vị đo tiếng ồn. Tuy nhiên, khi đơn vị này thực hiện đo tiếng ồn ở các quán thì có một số quán không hợp tác nên khó xử lý được. Phường đã có kiến nghị lên UBND quận để có hướng dẫn về việc xử lý tiếng ồn” - ông Hưng chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, cho biết việc ra quân xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã được phường triển khai từ trước đến nay. Trước đó, UBND phường đã chỉ đạo công an, các lực lượng chuyên môn liên quan khác xử lý các điểm tập trung đông người, hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây tiếng ồn từ phản ánh của người dân. Ngoài ra, các lực lượng của phường cũng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở một số địa điểm kinh doanh, địa điểm khu dân cư phát ra tiếng ồn lớn.

Cũng theo ông Trí, hiện nay trong công tác xử lý đang gặp phải khó khăn khi các lực lượng khi đi kiểm tra, xử lý tiếng ồn chưa được trang bị thiết bị đo mức độ âm thanh. Từ đó không có căn cứ chắc chắn để xử lý mà chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở.

Nhiều kênh để người dân báo tiếng ồn

Để tập trung xử lý vấn nạn tiếng ồn, UBND TP.HCM đã giao các sở, ban, ngành chức năng về việc tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, TP giao cho Sở TT&TT chủ trì vận hành cổng thông tin 1022 tiếp nhận các phản ánh vi phạm về tiếng ồn, chuyển đến các cơ quan có chức năng để phối hợp xử lý. Cổng thông tin 1022 từ nhiều năm nay được người dân đánh giá cao về tính hiệu quả của kênh phản ánh thông tin này.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT, bình thường cổng thông tin 1022 vẫn đang tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân. Từ những thông tin phản ánh sẽ chuyển về các địa phương xử lý.

“Sắp tới đây, sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn khi phát sinh vi phạm tiếng ồn thì người dân sẽ gọi đến đâu, nhận kết quả xử lý ra sao qua cổng thông tin 1022. Ngoài ra, Sở TT&TT sẽ phối hợp với Sở VH&TT tiếp tục tuyên truyền liên quan đến sử dụng cổng thông tin để nhiều người dân biết đến” - ông Lê Quốc Cường nói.

 

Các địa phương khác trị nạn tiếng ồn như thế nào?

Tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã thành lập tổ phản ứng nhanh kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, lập lại trật tự trong khu vực. Lực lượng có nhiệm vụ nhắc nhở, yêu cầu người dân dừng sử dụng âm thanh công suất lớn. Sau 22 giờ, tổ sẽ lập biên bản xử lý theo quy định về làm mất an ninh trật tự.

Còn tại An Giang, từ ngày 3-3, An Giang bắt đầu tạm dừng kinh doanh, tụ tập hát karaoke bằng dàn loa di động để phòng dịch COVID-19. Sau khi tình hình dịch ổn định, tỉnh sẽ triển khai họp các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Nếu nhân dân đồng thuận thì sẽ tiến tới việc dừng luôn hoạt động gây ô nhiễm này.

Theo ông Nguyễn Lê Hiệp, Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý về tiếng ồn, UBND phường cũng đã tuyên truyền, triển khai nội dung này thông qua các cuộc họp chi bộ, giao ban khu phố, hệ thống phát thanh của phường. Đặc biệt, người dân trên địa bàn có thể tải và sử dụng ứng dụng “Công dân Hiệp Phú” để phản ánh, tiếp nhận thông tin, chính sách từ phường.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm