Từ bỏ biển số ô tô siêu đẹp đã trúng, người dân có được đấu giá lần 2?

(PLO)- Người từ bỏ kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô siêu đẹp thì có được tham gia đấu giá lại không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-9 đã diễn ra phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên với những biển số siêu đẹp đã tìm được chủ nhân. Phiên đấu giá đầu tiên cũng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước.

bien-so-dep-da-duoc-dau-gia
Những biển số siêu đẹp của các tỉnh đã được đấu giá ngày 15-9.

Đáng chú ý, vấn đề pháp lý đang được nhiều người quan tâm là nếu người từ bỏ kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô thì có được tham gia đấu giá lại không?

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 39/2023 (quy định về thí điểm đấu giá biển số ô tô) quy định điều kiện đăng ký tham gia đấu giá biển số xe là thuộc đối tượng tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 73/2022/QH15.

Cụ thể, người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam có đủ điều kiện tham gia đấu giá biển số xe ô tô theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:

- Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

- Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;

- Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;

- Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;

- Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.

bien-so-ha-noi-duoc-dau-gia-32-trieu
Biển số siêu đẹp 888.88 của TP.HCM được đấu giá hơn 32 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng quy định các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá tại khoản 5 Điều 9 gồm:

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

- Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;

- Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

“Xét thấy, về điều kiện đăng ký tham gia đấu giá cũng như các trường hợp không được tham gia đấu giá đều không có quy định cấm đối với trường hợp đã trúng đấu giá mà từ bỏ kết quả trúng đấu giá của mình”- luật sư Mạch nhận định.

Do đó, luật sư Mạch đưa ra kết luận: Người đã từ bỏ kết quả trúng đấu giá trong đợt đấu giá trước thì vẫn có thể đăng ký tham gia đấu giá lại ở đợt sau. Tuy nhiên vẫn phải đáp ứng các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá và không thuộc các trường hợp không được tham gia đấu giá theo quy định nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm