Từ câu chuyện nữ sinh văng tục: Cần khôi phục giá trị 'thầy ra thầy, trò ra trò'

(PLO)- Trẻ sai có lỗi của người lớn. Đây cũng là lúc người lớn xem xét lại vai trò giáo dục cũng như làm gương trong lời ăn tiếng nói cho con em mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi (lỡ) xem clip nữ sinh nổi nóng chửi hỗn thầy giáo, chắc chắn rằng nhiều người thế hệ 8X như tôi bị sốc, rất sốc. Suốt những năm chúng tôi học phổ thông, không ít học trò ngỗ nghịch nhưng giới hạn cuối cùng là trò đứng dậy bỏ ra khỏi lớp khi thầy giáo nổi nóng. Và cái cậu “dám” bỏ ra khỏi lớp là cậu cá tính, ương ngạnh nhất lớp ấy, thỉnh thoảng vẫn kể rằng cậu đã hối hận thế nào khi cư xử với thầy giáo như thế. Chúng tôi không tưởng tượng nổi nếu ngày đó có ai dám “trả treo” với thầy giáo, chứ đừng nói là cãi tay đôi hay chửi hỗn thầy cô.

Mỗi thời mỗi khác, môi trường xã hội cũng đã khác, các giá trị giáo dục cần được bổ sung thêm vào nhà trường để hợp thời đại, để hòa nhập.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần khôi phục các giá trị cơ bản, dù hội nhập đến đâu cũng phải giữ các giá trị nền tảng của giáo dục và văn hóa Việt Nam. Đó là thầy ra thầy, trò ra trò; tôn sư trọng đạo; học để thành nhân... Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục bất ổn với một nền giáo dục bao gồm nhiều giá trị Âu Á, Đông Tây nhưng không biết cái nào làm nền tảng, cái nào làm rường cột.

Vụ nữ sinh chửi hỗn thầy giáo, sau khi sốc, tôi đã ngồi suy nghĩ một lúc, nếu em gái đó là con mình, em mình thì mình sẽ xử sự ra sao? Nghĩ vậy để trước hết, phải vì cô bé để tính cái đã. Mỗi học sinh đều là một cây non, còn có một tương lai dài trước mặt.

Và tôi đã có câu trả lời cho chính mình. Nếu là phụ huynh, tôi sẽ xin nhà trường cho em nữ sinh nghỉ hẳn một năm, sang năm học lại. Thời gian này, em cần phải tự xét hành vi của mình. Một năm cũng là một chặng đường đời, khá dài và khá đáng tiếc với bọn trẻ nhưng thưa thầy hiệu trưởng, nó cần thiết để cho cô bé hiểu được điều mà em đã làm.

Dạy con trẻ, luôn cần có cả hai thứ: Yêu thương và nguyên tắc. Thiếu yêu thương thì thành ra khắc nghiệt, trẻ không nên người. Thiếu nguyên tắc thì trẻ dễ nhờn, không biết rõ đúng sai, cũng khó nên người.

Các em học sinh và phụ huynh cần phải hiểu rằng bất cứ hành động nào cũng sẽ gắn với kết quả (hoặc hậu quả) về sau. Nếu không phải trả giá, trẻ sẽ liên tiếp phạm sai lầm. Thật ra việc phải trả giá tương xứng cho hành động của mình cũng là một cơ hội tốt để giáo dục trẻ và để phụ huynh xem xét lại chính mình chứ không phải là ngày tận thế. Trẻ sai có lỗi của người lớn. Đây cũng là lúc người lớn xem xét lại vai trò giáo dục cũng như làm gương trong lời ăn tiếng nói cho con em mình.

Nó là cơ hội để mỗi người học được bài học về cách ứng xử, về các giá trị, suy nghĩ về cả nhân quả nữa. Dừng lại một năm để tu dưỡng vẫn tốt hơn là những vấp ngã về sau.

Mọi người sợ ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ, chứ thực ra xuê xoa cho các sai lầm, không cho em cơ hội sửa sai ngay chỗ vấp ngã mới là ảnh hưởng tương lai về sau. Mỗi bước đường đời sau này, cái giá chúng ta phải trả luôn tích lũy cả những hậu quả mà chúng ta chưa đối mặt. Dừng lại để khắc phục điều mình làm sai, tương lai mới bớt trúc trắc hơn.

Một năm phải vội, vậy hàng chục năm cuộc đời còn lại vội được chăng?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm