Bộ môn bóng đá sau ngày thống nhất được nhà nước giao nhiệm vụ phải sớm hòa nhập bóng đá cả nước. Trưởng bộ môn khi ấy là ông Trần Bảy kể lại nỗi khát khao của những người làm nghề muốn có một giải toàn quốc kéo dài từ Bắc chí Nam nhưng ông hiểu mọi cái không đơn giản.
Lộ trình đến giải vô địch quốc gia đầu tiên
Ông trưởng bộ môn với kinh phí eo hẹp bắt đầu thử nghiệm bằng một giải tam giác giữa ba đội Thanh niên Hà Nội, Thanh niên Hải Phòng và Thanh niên Sài Gòn. Trên khán đài, rất nhiều quan chức và rất nhiều “tướng” ngồi xem như ngồi trên lửa bởi tất cả đều “soi” vào một giải đấu của ba đại diện với nhiều góc nhìn khác nhau. Họ lo ngại bóng đá bị lợi dụng, bị bóp méo sau một cuộc chiến và sợ chính những cầu thủ bị kích động, bị lợi dụng cho những mục đích xấu…
Cuối cùng thì cái giải đấy đã thành công tốt đẹp. Nhiều vị chức sắc thở phào cho dù họ không chú ý lắm đến ai thắng, ai thua và ai vô địch…
Hai năm sau (năm 1978), bộ môn bóng đá vắt óc để khôi phục những giải khu vực giống như một cuộc làm nóng trước giải vô địch quốc gia. Phía Bắc có giải Hồng Hà gồm 16 đội (sáu đội A1 và 10 đội A2 thuộc khu vực phía Bắc tham dự); miền Trung có giải Trường Sơn (bảy đội hàng đầu tham dự); phía Nam có giải Cửu Long (gồm 17 đội miền Nam tham dự). Tất cả chỉ nhằm để phục vụ cho lộ trình đi đến giải vô địch toàn quốc đầu tiên năm 1980-1981. Nhớ về ba giải đấu ở ba khu vực ấy, ông Trần Bảy kể: “Tôi rất có ý khi đặt những tên giải Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long để tránh có người hâm mộ gọi những cái tên như giải miền Bắc, miền Trung, miền Nam nghe nó cục bộ lắm!”.
Giải vô địch đầu tiên, cầu thủ Hải quan lần đầu ra miền Bắc chụp ảnh kỷ niệm trước lăng Bác. Ảnh: TƯ LIỆU
Đấy là một chuỗi dài mà những nhà làm bóng đá thời bấy giờ thừa nhận là “chuỗi đấu tranh tư tưởng, nhận thức, hòa hợp”.
Phải đến năm 1980, tức năm năm sau ngày thống nhất đất nước, giải vô địch quốc gia đầu tiên mới ra đời. Giải đấu này Tổng cục Đường sắt của HLV Trần Duy Long (nay là phó chủ tịch LĐBĐ TP.HCM) lên ngôi vô địch.
Từ bóng đá bao cấp đến bóng đá chuyên nghiệp
Sau giải vô địch ấy, bóng đá Việt Nam nở nồi với khuynh hướng mỗi tỉnh, mỗi ngành, mỗi địa phương một đội bóng. Cái thời được xem là bóng đá bao cấp và cầu thủ sống bằng lương bao cấp.
Giải vô địch quốc gia cứ được tăng theo cấp số cộng để nhà nhà cùng tham gia. Và khi đến năm 1988, số lượng quá đông thì những nhà làm bóng đá phải điều chỉnh bằng giải tách hạng từ hơn 30 đội A1 phân loại thành 14 đội mạnh. Giải đấu mà Đồng Tháp nổi tiếng là một tân binh nhưng lên ngôi vô địch với câu nói bất hủ của ông giám đốc Sở TDTT Nguyễn Ngọc Thành (Sáu Thành): “Đội tôi không cần tiền đạo giỏi, chỉ cần tiền mặt nhiều là đủ để vô địch!”.
Thể Công vào Nam thi đấu, anh em Thế Anh, Cao Cường hạnh phúc chụp ảnh kỷ niệm trong sân Thống Nhất, TP.HCM. Ảnh: TƯ LIỆU
Mãi đến năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của Công ty Tiếp thị thể thao Strata (công ty có mối quan hệ rất uy tín với LĐBĐ châu Á) dẫn đường thì bóng đá Việt Nam mới bắt đầu vào mùa thử nghiệm chuyên nghiệp đầu tiên với tên V-League.
V-League xóa đi bao định kiến về cầu thủ ngoại chơi ở giải nội. V-League buộc các đội phải năng động hơn trong việc chuyển hóa dần sang hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp. Từ đấy, nhiều đội bóng sử dụng đồng tiền bao cấp của nhà nước hay từ quỹ phúc lợi của công nhân công ty bắt đầu xóa sổ dần. Thay vào đó là sự vươn vai rất sâu của các doanh nghiệp làm nên hình hài mới nhưng cũng lôi bóng đá Việt Nam đi theo hướng mới mà đồng tiền dắt dây rất nhiều.
NGUYỄN NGUYÊN
“Thi” ít, “đấu” nhiều
Thời bao cấp, mỗi địa phương, mỗi ngành có đội bóng đã đẻ ra phần “thi” thì ít nhưng phần “đấu” lại rất nhiều và rất phức tạp. Những nhà tổ chức cũng rất khốn khổ khi phải xử lý những cái của phần “đấu”, bởi đụng đến một đội bóng không đơn thuần là đụng đến một địa phương, một ngành. Chưa kể địa phương này là quê của ông X đang làm lớn trong bộ này, bộ nọ, địa phương kia có ông Y, ông Z nằm trong những cơ quan lớn ở trung ương. Thế là có khi án chưa xử và kỷ luật chưa ra nhưng những nhà làm bóng đá nhiều lúc phải chịu cảnh “thối tai” vì những cú điện thoại của các sếp. Thậm chí có cả những lời đe dọa: “Chỉ cần một cú phone của tôi, ông (trưởng ban tổ chức - NV) mất ghế ngay!” hay: “Ông cứ ký án đi, nhà ông số mấy số mấy sẽ có người đến xử liền”.