BÓNG ĐÁ VIỆT NAM 35 NĂM KỂ TỪ NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC - BÀI 1:

Kissinger chịu thua bóng đá Việt Nam

Thời chiến tranh, miền Bắc bị những trận mưa bom, thế mà vẫn có những trận bóng diễn ra ở miệng hầm hoặc sát bên hố bom. Những trận bóng mà sau này chính người chỉ huy cuộc chiến ném bom miền Bắc lúc bấy giờ đã phải chào thua trong một cuộc gặp gỡ rất tình cờ ở Zurich (Thụy Sĩ) năm 1996 ngay tại trụ sở FIFA.

21 năm sau ngày thống nhất đất nước, bóng đá Việt Nam lần đầu có đại diện tham dự cuộc họp ban chấp hành FIFA lần thứ 50 năm 1996. Khi ấy bóng đá Việt Nam mới có năm năm chính thức hội nhập gia đình bóng đá Đông Nam Á và thu hoạch được một huy chương bạc SEA Games năm 1995.

Thật tình cờ khi cuộc họp của đại gia đình FIFA năm ấy có sự hiện diện của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ông Kissinger đến Zurich với tư cách khách mời danh dự của Chủ tịch FIFA Havelange. Sau World Cup USA 1994, FIFA muốn tỏ lòng cảm ơn chính phủ Mỹ đã tạo điều kiện để World Cup tổ chức tại Mỹ thành công ngoài dự kiến nên đã mời đích danh ông Henry Kissinger - cố vấn cho ban tổ chức World Cup USA 1994 để trao tặng kỷ niệm chương của FIFA. Không ngờ đấy lại là cuộc hội ngộ kỳ thú giữa hai nhân vật: Tổng Thư ký VFF Trần Bảy và ông Kissinger.

Kissinger chịu thua bóng đá Việt Nam ảnh 1

Tổng Thư ký Trần Bảy và cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại đại hội FIFA lần thứ 50 năm 1996 (trái). Chủ tịch FIFA Havelange ngạc nhiên khi nghe báo cáo luật FIFA bị sửa để bóng vẫn lăn dưới bom đạn. Ảnh: TƯ LIỆU

Câu chuyện giữa hai con người này bắt đầu từ đề tài bóng đá và cả hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam trong thời chiến tranh giữ nước. Gặp ông cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger, Tổng Thư ký VFF Trần Bảy đã kể những câu chuyện có thật về bóng đá Việt Nam ngay trong cuộc chiến mà hồi đấy ông Kissinger cùng với Nixon là cặp bài trùng trong kế hoạch ném bom miền Bắc.

Cuộc nói chuyện trên có cả sự chứng kiến của Chủ tịch FIFA Havelange. Ông Bảy khi ấy đã thú nhận: “Trên thế giới, có lẽ tôi là người duy nhất dám sửa luật FIFA. Do hoàn cảnh chiến tranh, có những trận bóng phải tổ chức ở miệng hầm và cạnh hố bom. Nhiều lúc cầu thủ đang thi đấu thì máy bay đến ném bom. Có những trận đấu cứ dang dở đến 5-7 lần và có những trận cầu thủ hai bên đá mãi vẫn chưa đủ 90 phút theo luật FIFA. Trước tình hình khó khăn ấy, với tư cách trưởng bộ môn bóng đá, tôi đã sửa luật và điều lệ của FIFA cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước tôi. Đó là thay vì phải đá đủ 90 phút thì một trận đấu khi bóng lăn được 80 phút nhưng có sự cố làm gián đoạn thì kết quả đến phút 80 được công nhận”…

Nghe trình bày điều đấy, Chủ tịch FIFA Havelange tròn xoe mắt ngạc nhiên vì luật của mình bị sửa để phục vụ cho bóng đá thời chiến tranh và đã tồn tại ở một quốc gia trong thời gian dài.

Ông Kissinger khi nghe nói đến điều ấy đã vô cùng ngạc nhiên nhưng hết sức thán phục. Ông bắt tay Tổng Thư ký Trần Bảy và nói: “Thú thật là tôi không thể tưởng tượng ra được trong cuộc chiến ấy mà các bạn vẫn đá bóng bên miệng những hố bom. Đến giờ tôi mới hiểu vì sao các bạn chiến thắng trong cuộc chiến ấy. Tôi thực sự thán phục với những gì mà các bạn làm để trái bóng vẫn lăn dưới bom đạn”...

Họ bắt tay và cùng chụp chung một tấm ảnh lịch sử. Trước khi chia tay, Tổng Thư ký Trần Bảy còn nói với ông Kissinger rằng: “Ông là người chỉ đạo cuộc chiến ném bom miền Bắc, tôi là người sửa luật FIFA để bóng vẫn lăn trong cuộc chiến ấy. Nay cũng nhờ bóng đá mà chúng ta gặp nhau ở đây và tôi vui vì bóng đá Việt Nam đã vượt qua những khó khăn và đang phát triển rất tốt”…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm