Ngày 14-12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”. Đây cũng là cơ hội để những cựu chiến binh góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hào hùng, vang dội gặp gỡ và ôn lại kỷ niệm.
Phi công Mỹ nợ phi công Việt Nam một cuộc đời
Cách đây 50 năm, vào cuối tháng 12-1972, quân dân thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hào hùng, vang dội.
Thắng Mỹ trên bầu trời Hà Nội, quân và dân thủ đô đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng nhất của dân tộc trong cuộc đối đầu không cân sức, minh chứng lời tiên đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “B52 Mỹ chỉ có thua trên bầu trời Hà Nội, chúng mới chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (VN)”.
|
Phi công Vũ Đình Rạng thuật lại trận đánh B52 năm xưa tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT |
Sau sự kiện này, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN”. Sự kiện này góp phần to lớn vào chiến thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày hào hùng ấy vẫn vẹn nguyên với phi công Bùi Doãn Độ. Ông là người bắn cháy một máy bay Mỹ vào đêm cuối 29-12-1972 của cuộc không kích.
“Lúc tôi nhận thông báo phía sau cũng có địch và yêu cầu nhanh chóng công kích. Tôi quyết tâm truy kích đến cùng chiếc F4 phía trước. Khi chọn được khoảng cách thích hợp, tôi phóng hai quả tên lửa cùng lúc rồi nhanh chóng thoát ly theo lệnh của Sở chỉ huy” - ông Độ kể.
|
Máy bay của ta xuất kích năm 1972. Ảnh: TTXVN |
Khi lật sang trái thoát ly, ông thấy máy bay F4 của địch đang bốc cháy dữ dội và cắm xuống một góc khoảng 30 độ, bụng máy bay lật ngửa. Với chiến công đó, ông Bùi Doãn Độ đã vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Hầm chỉ huy tác chiến T1 là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Di tích này minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử.
Ông NGUYỄN THANH LONG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long
Có mặt tại buổi giao lưu, ông Vũ Đình Rạng, người phi công Mig-21 đầu tiên trên thế giới tiếp cận và bắn được B52, kể lại: Đêm 20-11-1971, địch phán đoán ta không còn máy bay trực chặn đánh B52 nên lúc 20 giờ 40, B52 đã bay vào.
Khi tiếp cận mục tiêu khoảng 2 km, ông phóng quả tên lửa tầm nhiệt lao vào mục tiêu B52 và nhìn rõ một vệt nổ, đồng thời lập tức điều khiển máy bay lên cao và nhìn thấy một chiếc B52 khác, ông chúc xuống phóng tiếp quả tên lửa thứ hai về phía mục tiêu rồi thoát ly đưa máy bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Anh Sơn.
Tuy nhiên, chiếc máy bay B52 của Mỹ bị phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng không bị rơi tại chỗ mà lết về sân bay Nakhon - Phanom, toàn bộ kíp lái sáu người trên chiếc máy bay B52 thoát chết.
Cựu phi công David Robert Volker, một trong sáu phi công thoát chết khi máy bay B52 bị ông Vũ Đình Rạng bắn trúng, khẳng định đó là lần đầu tiên trên thế giới B52 của Mỹ bị phi công Mig-21 của Không quân nhân dân VN tiếp cận và bắn trúng.
47 năm sau, năm 2018, viên phi công David Robert Volker khi gặp lại ông Vũ Đình Rạng đã bày tỏ: “Nếu hôm đó ông Rạng bắn rơi chúng tôi tại chỗ thì hôm nay tôi không còn được ở đây nói chuyện cùng ông về chuyện ngày xưa nữa. Tôi và tổ bay sáu người trên B52 mỗi người nợ ông một cuộc đời”.
Tái hiện “Hầm T1 trong đêm bão lửa”
Trong ngày 14-12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”.
Hoạt cảnh diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hầm T1 cùng lúc thực hiện ba nhiệm vụ lớn: Chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam, tổ chức báo động phòng không nhân dân.
Chính tại căn hầm này, các chiến sĩ đã phát ra hồi còi đầu tiên báo động phòng không trên toàn TP Hà Nội khi máy bay Mỹ tiến vào bắn phá thủ đô. Toàn thể nhân dân được thông báo vào hầm trú ẩn trước 35 phút. Các đơn vị vũ trang sẵn sàng chiến đấu.
Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”
Trong khuôn khổ triển lãm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử. Họ là những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh B52 Mỹ cách đây 50 năm.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu bốn tựa sách, trong đó có hai cuốn Cuộc đối đầu không cân sức và Tại sao VN đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể của tác giả Phan Thu, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Điện Biên Phủ trên không: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ VN của tác giả Lưu Trọng Lân và Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát.