Tuyến metro số 1 chạy ngang đường Điện Biên Phủ.

Từ tuyến số 1, người dân TP.HCM mong mỏi hiện thực hóa hàng trăm kilomet metro

(PLO)- Một tuần sau khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành, người dân TP từ hồ hởi trải nghiệm đã quen dần với việc dùng phương tiện này để di chuyển, đi làm, đi chơi… Từ đây, ai cũng mong TP.HCM có nhiều hơn nữa những tuyến metro được hoàn thành và đi vào hoạt động.

TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh bảy tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân TP.

Metro_hinh-1.jpg
Tuyến metro số 1 chạy ngang đường Điện Biên Phủ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Người dân dần quen với metro số 1

Theo ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP.HCM, từ ngày 22-12 khi tuyến metro số 1 bắt đầu vận hành chính thức, đi vào phục vụ người dân. Các nhà ga trên cao, ba nhà ga ngầm metro số 1 luôn đông hành khách, đông nhất là ga trung tâm Bến Thành, quận 1.

Bên cạnh hàng chục ngàn lượt trải nghiệm thử metro số 1, nhiều người dân đã coi metro số 1 như một phương tiện chính để đi làm, giảm khói bụi, kẹt xe và di chuyển nhanh chóng. Trên các toa tàu metro số 1 rất đông hành khách là dân văn phòng, công sở trên vai có ba lô, tay cầm hộp cơm. Tại các ga như Ba Son, Nhà hát TP, Thảo Điền… cũng bắt đầu có hành khách di chuyển lên xuống nhiều hơn.

Cảm xúc tự hào về một tuyến metro hiện đại luôn hiện diện trong những vị khách của metro số 1, hàng trăm người đứng dưới nhà ga hình đóa hoa sen khổng lồ ở trung tâm Bến Thành để chụp ảnh, check-in, cũng không ít người livestream từng khoảnh khắc của nhà ga này khi lần đầu trải nghiệm.

Nhiều người vỡ òa cảm xúc khi đoàn tàu metro số 1 vừa qua 2 km đường ngầm để vượt lên cao, rồi cứ thế đoàn tàu màu xanh lao vun vút trên ray tàu, chạy song song với trục đường sầm uất, nhộn nhịp như Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội.

Chị Ánh Hồng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết: “Tôi làm ở phường Thảo Điền, nhà tôi ở phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, bình thường tôi vẫn chạy xe máy để đi làm, đoạn đường chưa tới 5 km nhưng phải mất ít nhất 30 phút mới đến được chỗ làm. Từ ngày có metro số 1, tôi đã sử dụng để đi làm và hành trình từ nhà đi làm nay đã được rút ngắn, thú vị hơn. Ban đầu tôi cũng chỉ tính đi metro số 1 để trải nghiệm, nào ngờ đi metro thoáng mát, nhanh chóng, tiện lợi nên tôi quyết định sử dụng metro số 1 để đi làm. Nếu TP có thêm nhiều tuyến metro như vậy, tình trạng ô nhiễm, khói bụi, kẹt xe, chen chúc nhau vào giờ cao điểm sẽ được cải thiện đáng kể”.

Ở hướng ngược lại, chị Thanh Thảo (ngụ quận 8) cũng đã sử dụng metro số 1 để tới ga Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức). Theo chị Thảo, chị sẽ di chuyển tới ga Bến Thành, sau đó gửi xe và đi làm bằng metro số 1, tuy có hơi cực song việc sử dụng metro số 1 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm kẹt xe, khói bụi.

“Thực sự việc tiếp cận metro số 1 chưa được thuận lợi giống như các quận khác song việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng mới, hiện đại cũng góp phần giảm kẹt xe. Từ metro số 1, tôi và rất nhiều người có thể thỏa thích ngắm nhìn một TP xinh đẹp, không còn chen chúc, khói bụi. Cũng từ metro số 1, chúng tôi mong nhiều hơn vào hệ thống metro của TP, mong sao ai ai cũng được đi metro và các tuyến kết nối, liên kết với nhau tạo thành một trục xương sống của hệ thống giao thông TP” - chị Thảo kỳ vọng.

Trong khi đó, chị Thu Hồng (ngụ huyện Hóc Môn) lại kỳ vọng vào tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Chị Thu Hồng cho biết các tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Cách Mạng Tháng Tám kết nối vào trung tâm TP.HCM nhiều năm nay đã quá tải, ùn tắc giao thông, phải mất hàng giờ di chuyển để vào trung tâm TP.

“Ngày metro số 1 chạy, người dân cũng di chuyển đến trung tâm TP để trải nghiệm loại phương tiện hiện đại này. Metro số 1 chạy êm, nhanh, mát mẻ làm chúng tôi kỳ vọng hơn vào tuyến metro số 2. Metro số 2 hoàn thành sẽ giải tỏa áp lực giao thông, tăng cường kết nối với trung tâm TP” - chị Thu Hồng chia sẻ.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐSĐT số 1 (Công ty HURC1, đơn vị vận hành metro) Văn Thị Hữu Tâm cho biết nhiều ngày qua tuyến metro số 1 nhận được sự đón nhận, yêu thích của người dân.

Theo kế hoạch đặt hàng và biểu đồ giờ đưa ra của Sở GTVT TP, một ngày ước tính tuyến metro số 1 sẽ đón khoảng 40.000 lượt khách, tuy nhiên theo bà Tâm thống kê thì ngày đầu vận hành, tuyến metro số 1 đã đón gần 150.000 lượt khách.

Đến ngày 28-12, metro số 1 đã thiết lập một kỷ lục với hơn 175.000 lượt khách trải nghiệm, tăng 450% so với sản lượng vận chuyển thực hiện theo kế hoạch (khoảng 40.000 lượt khách/ngày).

Số lượng khách sử dụng metro số 1 ngày 28-12 vượt qua cả ngày 22-12 khai trương vận hành tuyến (150.000 lượt khách). HURC1 đã phải huy động nhân viên, tình nguyện viên nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển đến tàu metro số 1.

Đến năm 2035, TP sẽ xây dựng hoàn chỉnh bảy tuyến metro (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân TP.

Metro_hinh-2.jpg
Người dân hồ hởi đi metro số 1. Ảnh: HOÀNG GIANG


Tiếp lửa cho tuyến số 2 và hàng trăm kilomet metro

Tuyến metro số 1 đi vào vận hành không chỉ là một bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông công cộng TP mà còn tiếp lửa cho hàng loạt tuyến metro trong tương lai, gần nhất là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Metro số 2 đi qua trục giao thông huyết mạch, tấp nập và có phần đông đúc, kẹt xe như Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, kết nối với các quận 3, 10, Tân Phú, 12, Tân Bình…

Việc giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là dự án đi qua khu vực dân cư. Thế nhưng đến năm 2023, các địa phương như các quận 1, 10 và 12 đã hoàn thành 100% việc bàn giao mặt bằng. Hiện UBND các quận 3, Tân Bình đã bàn giao các mặt bằng cuối cùng để sẵn sàng triển khai, khởi công dự án vào năm 2026.

“Đây là công việc rất quan trọng để tạo mặt bằng sạch giúp nhà thầu chính chủ động trong quá trình thi công xây dựng, thúc đẩy tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án trong thời gian tới” - Ban quản lý ĐSĐT TP (MAUR) thông tin.

Trong giai đoạn 2025-2035, TP.HCM sẽ hoàn thành bảy tuyến metro: Tuyến số 1 theo lộ trình cũ chỉ dài 19,7 km từ Bến Thành đến Suối Tiên, được đề xuất điều chỉnh nối dài cả hai phía thành depot Long Bình - Bến Thành - An Hạ dài 40,8 km.

Metro số 2 Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm dài 62,2 km; metro số 3 Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - ngã sáu Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ dài 45,8 km; metro số 4 nay được gộp từ hai tuyến số 4 và 4b theo quy hoạch cũ, nối thẳng từ Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - khu đô thị Hiệp Phước dài khoảng 47,3 km.

Metro số 5 Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - depot Đa Phước dài 53,9 km; metro số 6 đường vành đai trong dài 53,8 km; metro số 7 Tân Kiên - Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu công nghệ cao - Vinhomes Grand Park dài 51,2 km.

Đến năm 2045: Xây dựng hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh từ tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài ĐSĐT lên khoảng 510 km. Từ đó, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 50%-60% nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, metro số 8 Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - Ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (huyện Củ Chi) dài 42,8 km; metro số 9 An Hạ - Vĩnh Lộc - Ga Sài Gòn; metro số 10 đường vành đai ngoài dài 83,9 km.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban MAUR, cho biết metro số 1 vận hành chính là tiền đề để thúc đẩy tuyến metro số 2, các công việc của tuyến metro số 2 đang được gấp rút triển khai, hoàn thành các thủ tục, các nhóm công việc quan trọng.

Các công tác thi công di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của tuyến số 2 đã được MAUR triển khai đồng loạt tại 12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở trên toàn tuyến dọc theo trục các đường Phạm Hồng Thái, Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh từ tháng 3-2024.

Đặc biệt, tuyến metro số 2 đã được Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP để triển khai các bước tiếp theo dự án metro số 2.

Bên cạnh metro số 1, metro số 2, UBND TP.HCM cũng đang gấp rút hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đến năm 2035, TP sẽ xây dựng hoàn chỉnh bảy tuyến metro (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40%-50% nhu cầu đi lại của người dân TP.

Giai đoạn này sẽ tăng chiều dài đi ngầm, đi sâu để giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy hiệu quả khai thác không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang, tái cấu trúc các khu đô thị hiện hữu. Tuyến được xem xét thiết kế đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, không nhất thiết đi trùng với hành lang đường bộ.

Theo đó, sơ bộ xác định tổng chiều dài metro đến năm 2035 là 355 km (trong đó 152 km đi ngầm, 203 km đi nổi); 258 nhà ga và 12 depot. Đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư bảy tuyến ĐSĐT đến năm 2035 khoảng 40,21 tỉ USD. Chi phí xây dựng tăng 17,63 tỉ USD do tăng hơn 42 km đi ngầm và 126 km đi nổi.

Để làm giai đoạn này, TP.HCM đề xuất 43 chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ. TP.HCM kiến nghị thông qua đề án và một số chính sách đặc thù để làm được 355 km ĐSĐT.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết bên cạnh metro số 1, TP còn phải tập trung triển khai metro số 2, hàng loạt tuyến metro khác thực hiện theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị với 43 chính sách, cơ chế.

“Các dự án khác cũng đang trong giai đoạn xin cơ chế mới và đề xuất đầu tư, đây là giai đoạn quan trọng để tạo tiền đề, cơ sở hình thành hàng loạt tuyến metro, trục xương sống giao thông của TP.HCM” - ông Cường đánh giá.•

Họ đã nói

lêtrungtinh.jpg

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM:

Từ metro số 1, đúc kết giải pháp làm các tuyến sau

Thực tế ở những quốc gia khác, một đô thị chỉ cần 1-2 triệu dân là đã phát triển hệ thống ĐSĐT nhưng TP.HCM có đến 10 triệu dân nhưng đến nay chỉ có một tuyến metro là chậm.

TP.HCM rất cần sự ra đời của hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, vận tốc nhanh và ĐSĐT chính là lời giải cho bài toán kẹt xe nội thị, tai nạn giao thông, ùn ứ giao thông, ô nhiễm môi trường… phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện TP.HCM chỉ mới có một tuyến metro số 1, đây là tuyến mang tính biểu tượng, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo và cần có nhiều tuyến để thực sự tác động đến hệ thống giao thông của TP. Có một điều chắc chắn rằng metro số 1 sẽ cho TP những bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó đúc kết lại các giải pháp để làm hàng trăm kilomet metro khác.

Theo tôi, đề án metro (đề án metro theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị) là tín hiệu tốt song để hiện thực hóa là cả một câu chuyện dài vì làm 355 km ĐSĐT trong 10 năm cần nguồn lực rất lớn, trong đó vốn đầu tư là vấn đề then chốt.

Bên cạnh đó, việc thiếu thống nhất, như một công nghệ đồng bộ cho tất cả tuyến khiến bức tranh tổng thể metro là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu tuyến metro này làm theo kiểu Nhật Bản, tuyến khác làm theo kiểu Tây Ban Nha… thì rất khó để kết nối, để phát triển một cách đồng bộ. Đây là vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng.

duyquoc.jpg

TS PHAN HỮU DUY QUỐC, thành viên tổ chuyên gia tư vấn Đề án xây dựng hệ thống ĐSĐT TP.HCM:

Bức tranh metro TP.HCM đang sáng dần

Metro số 1 là cơ duyên đưa tôi và gia đình về nước sau 20 năm sinh sống, học tập tại Nhật Bản. Vào năm 2014, khi tôi đang làm việc tại Nhật Bản, Tập đoàn Shimizu cử tôi về Việt Nam tham gia dự án metro số 1 với vai trò nhà thầu. Đây thực tế là chuyến quay về quê hương để cống hiến, xây dựng tuyến ĐSĐT đầu tiên của TP.HCM. Metro số 1 không chỉ là một tuyến ĐSĐT mà còn là dấu mốc quan trọng mở ra một chương mới trong hành trình phát triển hệ thống giao thông của TP.HCM.

Khi metro số 1 chính thức vận hành, nhìn lại hành trình 17 năm của tuyến metro số 1, tôi chợt nhớ lại những ký ức đặc biệt như ngày tháo dỡ bùng binh cây liễu ngay giữa trung tâm TP, biến khu vực giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi thành một biển công trường ngổn ngang. Hôm nay, nhìn những con đường ngày ấy hiện đại, khang trang, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì từ đây TP đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Tuy metro số 1 chưa thể tạo ra sự thay đổi rõ rệt ngay lập tức với mạng lưới giao thông TP song đây chính là viên gạch đầu tiên trong việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị, là bước khởi đầu cho mạng lưới metro hiện đại tiếp nối trong tương lai.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu vẫn áp dụng cách làm cũ thì có thể TP.HCM phải đợi 100 năm nữa mới hoàn thành các tuyến metro theo quy hoạch, thậm chí giấc mơ này có thể không thành hiện thực.

Song bức tranh ấy đang sáng dần khi TP.HCM có những kế hoạch và đề xuất sắp trình lên Trung ương cùng với những cơ chế đặc thù, vượt trội, tôi tin chắc rằng TP sẽ có thể tăng tốc trong việc phát triển mạng lưới ĐSĐT (metro).

Từ việc nhận ra được mấu chốt của cơ chế, chính sách để đi đến cách làm, TP có thể xây dựng nhiều tuyến metro trong một thời gian ngắn, nhờ vào những bài học và kinh nghiệm đã được tích lũy, cùng với sự thay đổi tích cực trong cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý.

phuocnghia.jpg

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

Bảy bài học rút ra từ việc làm metro số 1

TP.HCM muốn hoàn thành 355 km metro vào năm 2035 và 510 km vào năm 2045 là đề án táo bạo mang tính mục tiêu, định hướng. Tuy nhiên, mục tiêu phải đi kèm với cách thức triển khai chi tiết và chúng ta cũng cần nhìn nhận lại các bài học kinh nghiệm khi triển khai metro số 1, từ đó tạo thuận lợi cho các tuyến sau. Theo tôi, có bảy bài học cần xem xét.

Thứ nhất là câu chuyện liên quan đến vấn đề quy hoạch thiết kế. Bài học này nằm trong sự triển khai của tuyến metro số 1, từ những ngày đầu hình thành dự án. Việc đúng thiết kế liên quan đến kỹ thuật, liên quan đến các điều kiện triển khai là công tác ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công, khai thác, vận hành sau này.

Thứ hai là vấn đề nguồn vốn, đây là bài học quý giá nhất rút ra từ tuyến metro số 1. Metro số 1 sử dụng nguồn vốn ODA song trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nói chung và cả TP.HCM nói riêng có thể sẽ không thể huy động nguồn vốn này nhưng bài học rút ra có thể là cách xử lý, sử dụng vốn ở những góc độ khác nhau.

Những vấn đề về nguồn vốn như bố trí vốn, chuẩn bị nguồn vốn trước mỗi dự án vẫn luôn là một câu chuyện lớn, nhìn vào metro số 1 có thể thấy các công tác nghiệm thu từng công đoạn, trong đó chậm thanh toán, khúc mắc giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình triển khai thi công… chung quy lại vẫn xoay quanh vấn đề về nguồn vốn.

Thứ ba là bài học liên quan đến quỹ đất xây dựng, công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng chậm trễ, người dân không đồng thuận… dẫn đến câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ. Có thể thấy bài học này không chỉ tồn tại ở tuyến metro số 1 mà thực tế ở các công trình giao thông khác nhiều năm qua và chưa thể giải quyết triệt để.

Thứ tư là bài học về quản lý nhà nước, từ công tác quản lý dự án đến triển khai, thay đổi phê duyệt, điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy mô… toàn bộ vấn đề đều liên quan đến hàng loạt công tác hành chính, công tác phối hợp giữa các bộ, ban ngành. Chỉ một mắt xích trong chuỗi tiến trình bị thắt lại sẽ dẫn đến tuyến metro số 1 chững lại, kéo theo hàng loạt vấn đề như phải phê duyệt lại thời gian hoàn thành dự án, điều chỉnh tăng vốn dự án…

Thứ năm là bài học liên quan đến câu chuyện nhà thầu, đòi hỏi phải có năng lực chọn đúng nhà thầu (nhà thầu phụ, nhà thầu chính), đánh giá nhà thầu...

Chúng ta hay có quan điểm rằng nhà thầu trong nước khó làm được các tuyến metro mà phải chọn nhà thầu nước ngoài song nhiều nhà thầu trong nước cũng từng lên tiếng rằng họ có khả năng làm được ở những công đoạn nào đó, tất nhiên chúng ta phải cần thẩm định năng lực của nhà thầu vì metro liên quan đến nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp.

Thứ sáu là bài học liên quan đến cơ chế quản lý, các vấn đề liên quan đến quyền quyết định, giao quyền trong việc tự quyết ở những dự án cụ thể. Từ đó dẫn đến việc Ban quản lý dự án ĐSĐT TP nhiều lúc không thể chủ động, phải ở thế bị động, chờ đợi trong bối cảnh công tác điều chỉnh, công tác phê duyệt phải thông qua nhiều khâu, vô hình trung các công đoạn này dẫn đến kéo dài dự án, lãng phí nguồn lực…

Thứ bảy là bài học liên quan đến năng lực vận hành, khai thác, hiệu quả kinh tế của metro số 1. Chúng ta có Nghị quyết 98, có cách tiếp cận nguồn lực được TP xác định như mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn), nếu chúng ta khai thác quỹ đất xung quanh các nhà ga tốt để làm mô hình TOD thì chắc chắn hiệu quả kinh tế của metro mang lại sẽ cao hơn.•

Đọc thêm