Hàng loạt dự án giao thông sau khi hoàn thành đã giải quyết ngay các vấn đề về ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối vùng.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), về cách làm mới đối với hàng loạt dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi bức tranh hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Triển khai các dự án trọng điểm, kết nối vùng
. Phóng viên: Thưa ông, năm 2025 ngành giao thông TP.HCM sẽ triển khai các dự án trọng điểm nào?
+ Ông Lương Minh Phúc: Năm 2025, Ban giao thông xác định đây là năm của những dự án kết nối liên vùng, với việc khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3, thông qua chủ trương đầu tư đường vành đai 4. Đồng thời, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thiện thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành, hoàn chỉnh một số khu vực trung tâm TP.HCM.
Ban giao thông cũng sẽ khởi công một số dự án để hoàn thiện trục Bắc - Nam như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Bên cạnh đó, Ban giao thông và Sở GTVT TP phối hợp, chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu 40 dự án, trong đó có những trục giao thông rất lớn như trục động lực 50B kết nối TP.HCM - Long An, cầu vượt thép tại các nút giao thông ở TP.HCM như ngã bảy, ngã sáu, Công trường Dân Chủ.
Đồng thời, TP.HCM cũng khởi động một số dự án trước đây chưa bố trí được vốn như đường 15B, chuẩn bị khởi công cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và các tuyến đường trên cao.
TP.HCM cũng đưa vào khai thác, hoàn thành các công trình sau trong năm 2025: Toàn bộ Quốc lộ (QL) 50, nút giao thông An Phú, 14,7 km đường vành đai 3 ở TP.HCM, đây là những dự án trọng điểm, kết nối vùng.
Từ nay tới Tết Nguyên đán 2025, Ban giao thông tiếp tục đưa vào phục vụ người dân 10 gói thầu dự án như cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Bà Hom, một đơn nguyên cầu Tăng Long, các đường Dương Quảng Hàm, Hoàng Hoa Thám…
Đặt mục tiêu khơi thông hạ tầng giao thông cho từng khu vực
. Vậy bức tranh hạ tầng giao thông ở TP.HCM theo từng khu vực sẽ ra sao, thưa ông?
+ Trong năm 2025, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía nam TP.HCM (quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) bằng hàng loạt dự án.
Bao gồm: Khởi công các cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng đường kết nối QL50 - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồng thời, khởi công cầu đường Nguyễn Khoái, nghiên cứu trục động lực 50B và hoàn tất QL50, lúc này hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía nam TP.HCM tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể thấy năm 2025 là năm nở rộ của nhiều dự án mà thời gian qua TP mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Từ những dự án trên sẽ mở ra những trục đường mới, cầu mới để khơi thông hạ tầng giao thông, chia sẻ áp lực cho hàng loạt tuyến đường vốn quá tải như Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ.
Đối với khu vực phía tây TP.HCM, đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ tiếp tục được nghiên cứu mở rộng đoạn còn lại (quận Tân Bình) để đảm bảo đồng bộ hơn cho hàng loạt dự án giao thông đang hoàn thành như đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Tân Kỳ Tân Quý.
Như vậy, nút thắt hạ tầng ở cầu đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ được giải quyết trong thời gian tới, từ đó kết nối vào trung tâm TP.HCM, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện hơn rất nhiều. Từ đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ kết nối thuận lợi với các đường Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, QL1A và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đồng thời, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ được mở rộng các đường vốn ùn ứ như Trường Chinh, Cộng Hòa để hoàn thiện hạ tầng giao thông cho cả khu vực. 2025 sẽ là năm mở ra nhiều dự án lớn và chuẩn bị đầu tư các dự án để đảm bảo khơi thông đồng bộ với hạ tầng giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ban giao thông sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bức tranh hạ tầng giao thông này càng thêm sáng.
Các hạng mục của dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn thiện trong năm 2025, góp phần giải quyết ùn ứ cho tuyến đường ra vào cảng Cát Lái, vốn ùn ứ lâu năm. Trong năm 2025, đường liên cảng Cát Lái cũng sẽ được đầu tư, xây dựng nối từ cụm cảng Cát Lái Long Bình đến đường vành đai 3. Với hàng loạt dự án ở khu vực phía đông TP sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ùn ứ, tạo động lực phát triển cho khu vực phía đông TP, tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, phát triển logistics.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ khởi công các đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, đoạn đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khoảng 4 km) sẽ được mở rộng đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tất cả dự án trên sau khi hoàn thành sẽ sẵn sàng kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong thời gian tới.
Trong năm 2025, 14,7 km đường vành đai 3 (đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức) sẽ kết nối vào dịp 30-4-2025 với cầu Nhơn Trạch và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hàng trăm tỉ đồng nâng tĩnh không hai cầu kết nối liên vùng
Ngày 31-12-2024, Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên QL13 và cầu Bình Phước 1 trên QL1. Đây là hai cầu nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch có tính chất liên kết vùng, phương tiện giao thông đông đúc, việc nâng tĩnh không cầu hết sức phức tạp.
Giải pháp thực hiện là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu, trong đó, cầu Bình Triệu 1 nâng với chiều cao 1,25 m và cầu Bình Phước 1 nâng với chiều cao khoảng 1,08 m. Đồng thời, bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu, tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.
Tổng mức đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 là 132 tỉ đồng và cầu Bình Phước 1 là 110 tỉ đồng, hai cầu được thi công trong tám tháng, hoàn thành trong năm 2025.
2025 - năm vận dụng nhiều cơ chế đặc thù
. Vậy để đạt được những kế hoạch đề ra, năm 2025, TP có đưa ra cách làm mới mang tính đột phá, chiến lược để huy động mọi nguồn lực đưa các dự án về đích?
+ 2025 cũng là năm của các cơ chế đặc biệt như Nghị quyết 98 và các cơ chế đặc biệt của đường vành đai 4. Việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) ra thành các dự án riêng, mạnh dạn phân cấp cho các địa phương để phê duyệt cho các dự án nhóm B, C, rút ngắn quy trình xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng trong quá trình thực hiện… sẽ góp phần đảm bảo tiến độ thi công, trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án.
Ban giao thông cũng đã rút ra các bài học kinh nghiệm từ đường vành đai 3 từ GPMB, thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án cho các dự án trọng điểm. Đơn cử như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4, đường vành đai 2… nhanh nhất với sự đồng thuận cao nhất của người dân.
Tôi tin rằng cùng với cơ chế đặc thù mà Quốc hội sẽ cho phép thực hiện ở một số dự án trong thời gian tới sẽ giúp chủ đầu tư, các địa phương triển khai và đẩy nhanh hơn nữa công tác bồi thường, tái định cư, GPMB.
Với kinh nghiệm từ các dự án, cùng sự chủ động, sáng tạo, Ban giao thông quyết tâm mang cách làm mới, cơ chế đặc thù để hoàn thiện, khởi công hàng loạt dự án trọng điểm của TP, các dự án chiến lược mang tính chất kết nối vùng. Từ đó, giúp người dân đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, năm 2025 sẽ là thời điểm huy động nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án, thực sự bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của TP.HCM, cùng với đất nước.
20 gói thầu, dự án được hoàn thành trong năm 2024
. Nhìn lại năm 2024, ông có đánh giá thế nào về sự nỗ lực của ngành giao thông TP.HCM trong việc xây dựng, cải thiện bức tranh hạ tầng giao thông?
+ Năm 2024 đối với Ban giao thông nói riêng và ngành giao thông TP.HCM nói chung có ba đặc điểm lớn cần đúc kết lại.
Đầu tiên, 2024 là năm của những công trình giao thông được hoàn thành sau hai năm chuẩn bị, tập trung thi công. Bắt đầu từ quý III và quý IV-2024 là thời điểm chứng kiến những “trái ngọt” được thu hoạch.
Chúng ta có 20 gói thầu, dự án được hoàn thành và đưa vào phục vụ người dân tiêu biểu như đường Tên Lửa, cầu Nam Lý, cầu Rạch Đỉa, cầu Phước Long, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường Tân Kỳ Tân Quý và một phần QL50…
Từ nay tới Tết Nguyên đán 2025, Ban giao thông tiếp tục đưa vào phục vụ người dân 10 gói thầu dự án như cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Bà Hom, một đơn nguyên cầu Tăng Long, các đường Dương Quảng Hàm, Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố 2, kênh Hàng Bàng. Đây là những công trình đã và sắp hoàn thành, đã giải quyết ùn tắc giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, được người dân kỳ vọng.
Thứ hai, 2024 là năm có nhiều dự án giao thông được khởi động lại như các cầu Bà Hom, Phước Long, Rạch Đỉa, đường Tân Kỳ Tân Quý. Thực sự đây là năm của những nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội khi TP.HCM có Nghị quyết 98 và triển khai nghiên cứu huy động nguồn lực xã hội.
Thứ ba, 2024 là năm hiện thực hóa quy hoạch giao thông TP.HCM như khởi công đường vành đai 3, trình chủ trương đường vành đai 4, đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 3 và xây dựng năm cao tốc hướng tâm.
. Xin cảm ơn ông.•
Họ đã nói
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:
Tháo điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thi công
Các dự án, thủ tục pháp lý và nguồn vốn phục vụ các dự án của TP luôn được bố trí đầy đủ, năng lực quản lý dự án từng bước được nâng lên song khó khăn hiện nay là mặt bằng sạch phục vụ dự án, đây thực sự là bài học cần nhận diện. Từ năm 2025, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được chú trọng hơn, phân cấp cho các địa phương và tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thời gian tới, theo Luật Đầu tư công mới sẽ có nhiều nội dung phân cấp cho các địa phương, cơ quan chuyên môn trong quá trình chuẩn bị chủ trương đầu tư, thẩm định và triển khai thi công. Vì vậy, đề nghị các sở, ngành, địa phương sẵn sàng bắt tay vào việc để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025. Đặc biệt, sau thời điểm sáp nhập, các đơn vị không ảnh hưởng đến công việc chung của các dự án, nhà thầu.
Bên cạnh vấn đề mặt bằng, cách thức tổ chức thi công, kiểm tra và xử lý các nhà thầu yếu kém cũng vô cùng quan trọng. Ban giao thông và Sở GTVT TP cần xây dựng quy trình, xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng để đảm bảo đưa các dự án về đích đúng tiến độ.
Bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ, việc khơi thông hạ tầng giao thông đường thủy cũng vô cùng quan trọng. Sở GTVT TP.HCM vừa khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1, đây là hai trong 14 cầu chưa đảm bảo tĩnh không, hạn chế phát triển giao thông đường thủy và liên kết vùng.
Sự khởi đầu này đánh dấu một cột mốc của năm mới 2025 với sự quyết tâm, cam kết của ngành giao thông trong việc đẩy nhanh vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm trong năm 2025.
Giao thông đường thủy vốn là thế mạnh của TP, vì vậy cần tiếp tục phát huy và tương xứng với tiềm năng và thế mạnh này, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ. Đối với các dự án mới khi triển khai xây dựng cần đảm bảo tĩnh không cầu tối thiểu để phát triển giao thông đường thủy.
Tôi đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng như cam kết, đảm bảo đi lại trên cả đường bộ và đường thủy. Đồng thời, nỗ lực hơn nữa để rút ngắn tiến độ dự án thấp nhất, hạn chế ảnh hưởng thấp nhất tới người dân song phải đảm bảo chất lượng. Từ đó, khai thác hiệu quả giao thông đường bộ, đường thủy, tăng cường liên kết vùng.
Ông VÕ KHÁNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM:
Bổ sung kết nối, phát huy hiệu quả metro số 1
Năm 2025, Sở GTVT TP nỗ lực thực hiện công tác giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2025 đạt trên 95%, đảm bảo chất lượng và sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Đồng thời, TP cũng hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn TP và cải thiện tình hình giao thông tại các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Giảm ít nhất 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2024.
TP nỗ lực nâng tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,5 km/km².
Đặc biệt, Sở GTVT TP cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc tham mưu các cơ chế, chính sách và nhiệm vụ liên quan đến chiến lược phát triển ngành GTVT. Đơn cử như tham mưu, trình UBND TP các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Hoàn chỉnh và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị;... phối hợp triển khai thực hiện dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngành giao thông TP cũng phấn đấu khởi công, hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm trong năm 2025 theo kế hoạch. Đặc biệt đối với các dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất hai dự án. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư trong việc đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Sở GTVT TP cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, BQL đường sắt đô thị tham mưu UBND TP nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đầu tư đến năm 2035 được xác định trong Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM được Bộ Chính trị thông qua. Năm 2025 cũng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4, các dự án trọng điểm, liên kết vùng.
Sở GTVT TP cũng phối hợp với BQL đường sắt đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, đưa vào khai thác chính thức ngày 22-12-2024) nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiện ích kết nối về hạ tầng và các loại hình giao thông khác nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của tuyến metro số 1.
TP cũng sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống trạm sạc điện, hệ thống trạm dừng nhà chờ, hệ thống điều hành giao thông công cộng hiện đại. Đưa vào hoạt động hệ thống thu soát vé điện tử cho giao thông công cộng, thanh toán liên thông giữa các loại hình giao thông công cộng.
Đối với đường thủy, năm 2025 sẽ tập trung công tác nạo vét luồng tuyến, cải tạo, nâng cấp các cầu đạt tĩnh không, khẩu độ theo quy hoạch. Đồng thời, phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, vùng nước neo đậu nhằm tăng năng lực vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch bằng đường thủy.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các thủ tục liên quan để sớm đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa từ huyện Cần Giờ đi Vàm Láng và ngược lại (dự kiến đưa vào khai thác trong quý II-2025); phương án vận tải hành khách bằng đường thủy kết nối TP.HCM với sân bay Long Thành và ngược lại.
Ông ĐẬU AN PHÚC, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM:
Năm 2025 triển khai hàng loạt dự án trọng điểm
Thời gian qua, BQL đã đẩy nhanh thực hiện nhiều dự án, trong đó có dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm... Trong năm 2025, BQL sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nhiều dự án.
Như dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Dự án dự kiến khởi công trên địa bàn quận Gò Vấp trong quý I-2025, khởi công trên địa bàn quận Bình Thạnh trong quý II-2025.
Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8 dự kiến sẽ khởi công trong quý III-2025.
Ngoài ra còn nhiều dự án sẽ được thực hiện trong năm 2025 như cải tạo hệ thống thoát nước các đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp dự kiến sẽ khởi công trong quý I-2025.
Khởi công các dự án cải tạo hệ thống thoát nước các đường Lê Đức Thọ, Quang Trung trong năm 2025.
Ba dự án xây dựng công viên, cụ thể là xây dựng Công viên Thạnh Lộc (quận 12), Công viên Tân Chánh Hiệp (quận 12), Công viên Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) cũng sẽ thực hiện khởi công trong năm 2025.
Đơn vị sẽ tiếp tục tập trung triển khai thi công đối với dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 31-12-2025).
Trong năm 2025 sẽ hoàn thành dự án khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa các rạch Cung, Lồng Đèn (rạch Cung nối dài); nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi...
Các dự án cải tạo kênh rạch, vệ sinh môi trường cũng như những dự án xây dựng công viên sẽ giúp chỉnh trang đô thị cho TP.HCM, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân và thúc đẩy TP phát triển theo định hướng xanh, bền vững.
ĐÀO TRANG - NGUYỄN CHÂU