Trước tình trạng “bạo lực học đường” có chiều hướng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng rất cần thiết phải có phòng tư vấn tâm lý trong các trường học. Thực tế, nhiều trường cũng đã linh động thành lập các phòng tư vấn. Tuy nhiên, có nơi đã phải ngưng hoạt động.
Học sinh ngại gặp tư vấn viên
Qua trao đổi của phóng viên với học sinh một số trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố, hầu hết các em cho biết rất ngại đến phòng tư vấn tâm lý học đường. Em HB, học sinh lớp 12B5 Trường THPT Marie Curie, chia sẻ: “Trường em cũng có phòng tư vấn tâm lý nhưng trong ba năm học em chưa vô. Em ngại gặp và kể chuyện của mình với cô tư vấn. Mỗi khi có chuyện chưa biết cách giải quyết, em thường vào các diễn đàn trên mạng, lập một chủ đề mới về vấn đề của mình để các thành viên khác góp ý. Nhiều lần khác thì chia sẻ với bạn bè thân chứ không nói với gia đình hoặc thầy cô giáo”.
D., một học sinh nam lớp 12 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng ngại ngần khi bày tỏ trực tiếp những rắc rối, thắc mắc của mình với người tư vấn. Vì vậy, D. chọn giải pháp là lên mạng tìm số điện thoại của các trung tâm tư vấn tâm lý và gọi. Theo D. như vậy rất thoải mái nói chuyện mà không cảm thấy e dè sợ bị tiết lộ.
Tư vấn tâm lý cho các em học sinh trước mùa thi. Ảnh minh họa: HTD
Chưa có biên chế, thiếu kinh phí
Trên thực tế, các trường đều đã nhận thấy vai trò rất cần thiết và quan trọng của phòng tư vấn tâm lý học đường cho học sinh bên cạnh công tác chuyên môn là giảng dạy. Tuy nhiên, số trường hiện nay có phòng tư vấn tâm lý và hoạt động hiệu quả không nhiều. Bởi để thành lập và duy trì nó là một bài toán khó. Cách đây mấy năm, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đi đầu trong việc thành lập phòng tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, sau một thời gian phải ngưng hoạt động và giao lại nhiệm vụ tư vấn cho cán bộ Đoàn trường, giáo viên kiêm nhiệm. Thầy Lâm Văn Triệu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trao đổi: “Trường cũng đã mời hẳn chuyên gia tư vấn tâm lý về nhưng chuyện chi trả lương là do trường tự linh động, mức trả cũng không cao”.
Cần cho cả phụ huynh
Đếm đầu ngón tay Số trường phổ thông của Việt Nam có phòng tư vấn tâm lý có thể nói chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhu cầu được tư vấn tâm lý trong học sinh, sinh viên ngày càng trở nên bức thiết. Cho đến nay, tại các trường từ phổ thông lên đến ĐH hầu như chưa có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên. Đây là một vấn đề cần quan tâm. Cũng có thể nói rằng các cấp quản lý của ngành giáo dục chưa thực sự lưu tâm đến vấn đề này. PGS-TS Nguyễn Hồi Loan, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội |
Cô Lao Thị Thu Cúc, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trường Mạc Đĩnh Chi, bày tỏ: “Khoảng 3.000 học sinh phải cần tới bốn chuyên gia tư vấn tâm lý thực sự có kinh nghiệm. Tư vấn tại trường học không chỉ cho học sinh mà ngay cả giáo viên, phụ huynh cũng rất cần thiết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là từ phía gia đình thì chuyện phát hiện sớm những tâm tư, biểu hiện của học sinh và tư vấn mới thực sự hiệu quả.
TRÙNG KHÁNH
TP.HCM: Trường học phải có phòng tham vấn tâm lý cho học sinh Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên (Sở GD&ĐT TP.HCM), cho biết: Từ năm học 2009-2010, Sở Nội vụ, UBND TP đã phê duyệt cho biên chế một trường có một phòng tham vấn và có một thầy cô chuyên môn đảm nhận trách nhiệm này cho học sinh. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, hiệu quả từ việc tham vấn tâm lý học sinh tại TP.HCM chưa tổng kết rút ra mặt được và chưa được. Sau hội thảo lấy ý kiến về “bạo lực học đường”, ngành giáo dục TP nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của việc tư vấn tâm lý cho học sinh từ bậc học THCS, THPT, dự kiến tháng 10 tới, ngành giáo dục sẽ đánh giá toàn diện hoạt động này. Ngành giáo dục TP sẽ quan tâm vấn đề này và nguồn nhân lực mà Sở đang muốn tuyển về cho các trường là những sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các trường ĐH khác. Q.VIỆT |