Tự xử kẻ trộm chó: Hành vi vô pháp vô luân

Điều lạ lùng là thay vì tỏ thái độ căm phẫn những kẻ xuống tay sát hại đồng loại, người ta lại thấy một tâm lý đồng tình, thản nhiên coi đó là chuyện bình thường, chẳng mảy may xót thương cho người trộm chó xấu số.

Vì sao vậy?

Có nhiều cách lý giải hiện tượng bất thường này. Trước hết, có lẽ nạn trộm chó ngày càng hoành hành, những kẻ trộm chó ngày càng hung hăng, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công người phát hiện, rượt đuổi với mức độ tàn bạo nhất để tẩu thoát. Và dù tin tức, hình ảnh về sự trừng trị người trộm chó đến chết đầy rẫy, bất cứ kẻ trộm chó nào cũng biết, cũng nghe nhưng chúng không hề run sợ mà vẫn tiếp tục liều mạng mang vác dụng cụ, phương tiện đi trộm. Nói cách khác, những vụ người dân tự xử kẻ trộm chó đến chết không hề đủ tác dụng răn đe đối với phường trộm chó liều lĩnh, manh động này.

Trong khi đó, chó là con vật thân thiện, trung thành và gần gũi với con người. Người ta không chỉ nuôi dưỡng bình thường mà còn chăm sóc, gửi gắm vào đó với biết bao tình cảm yêu thương, nhiều khi không thua một người thân. Ấy vậy mà sàng qua sàng lại một cái, chú chó cưng đã nằm gọn trong bao những kẻ trộm. Người dân không uất, không căm thù mới là chuyện lạ.

Xuất phát từ những cơn tức dồn nén như thế nên khi bắt được kẻ trộm, con người ta đã không biết dừng lại khi xuống tay. Cộng thêm tâm lý đám đông và sự kích động lúc ấy, vậy là người ta xuống tay không thương tiếc với đồng loại mình. Rồi khi nạn nhân qua đời, mỗi con người trong cái đám đông ấy đều lắc đầu thoái thác: “Do nhiều người cùng đánh chứ nào phải đâu một mình mình!”. Vậy là tối về họ ngủ yên vì vừa trút xả xong cơn giận mà không hề tự vấn lương tâm, không hề mảy may nghĩ về cái ác mình vừa thực hiện. Rõ ràng trong suy nghĩ của họ kẻ trộm chó dường như không còn là đồng loại nữa.

Ngoài ra, chính nhờ sự lẩn khuất trách nhiệm (hình sự) trong đám đông mà chưa có nhiều người bị pháp luật trừng trị thích đáng về tội giết người sau những vụ án tự xử kẻ trộm chó ấy. Tính răn đe của pháp luật trong nhiều trường hợp vì vậy đã bị giảm sút nghiêm trọng. Từ đó người ta không sợ bị pháp luật trừng phạt mỗi khi tham gia tự xử kẻ trộm chó.

Đó là chưa nói khi cái ác (trong việc tự xử kẻ trộm chó) được xã hội ít lên án, con người mặc nhiên coi đó là một kiểu chuẩn mực hành vi tạm thời, được chấp nhận, để đối phó với nạn cẩu tặc đang lộng hành. Điều này mới càng đáng sợ.

Việc xuống tay đánh chết người, dù nạn nhân là kẻ trộm, dĩ nhiên về mặt đạo đức là không thể chấp nhận được. Nó cho thấy lòng nhân của con người dường như đã không còn ngự trị. Nó cho thấy cách đối xử giữa con người với con người dường như còn mông muội và dã man hơn những chế tài thời trung cổ.

Kẻ trộm chó bị bắt quả tang là người vi phạm pháp luật nhưng nên nhớ họ cũng là con người, cũng cần được đối xử nhân văn, có tính người. Không phải vì họ là kẻ trộm lộng hành, liều lĩnh mà coi họ không phải là con người rồi hành xử tàn tệ với họ như hành xử của loài cầm thú.

Về mặt pháp lý, họ có dấu hiệu tội phạm rõ ràng nhưng tội phạm ấy phải được xét xử và trừng trị bằng pháp luật chứ Nhà nước không cho cá nhân nào nhân danh lẽ công bằng để ra tay tự xử. Dân gian có câu dùng thiện trị ác thì tăng tính thiện nhưng dùng ác trị ác thì cái ác sẽ tăng. Chúng ta không thể chấp nhận lấy cái sai này để tự xử cái sai khác. Như thế là vô pháp vô luân, là đứng trên pháp luật và chà đạp lên các giá trị của xã hội pháp quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp 2013 có hẳn một chương để quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản con người - một chủ thể đặc biệt trong xã hội. Chúng ta không nên nhân danh sự công bằng và dùng tâm lý đám đông áp đặt và “tự xử” người trộm chó. Như thế còn tàn tệ hơn kẻ trộm chó!

Tôi cho rằng cơ quan tố tụng cần có trách nhiệm hơn trong việc tìm ra thủ phạm kích động, đầu têu trong đám đông đánh người đến chết, không để trách nhiệm hình sự cá nhân lẩn khuất trong trách nhiệm của đám đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm