Tưng bừng lễ hội dân gian

Không cần tổ chức quá rình rang, những lễ hội dân gian cứ diễn ra như đúng tính chất dân dã vốn có. Hầu như làng quê nào ở miền Bắc và miền Trung cũng rộn ràng những trò chơi truyền thống trong dịp tết; từ các trò mang tính chất gia đình như đổ xăm hường, đánh tổ tôm, bài tam cúc… đến những trò mang tính cộng đồng hơn như đánh đu, bài chòi, bài ghế, hò giã gạo… Và một trong những điểm thu hút khách du xuân dịp tết chính là những lễ hội làng.

Lễ hội nhớ người khai canh

Những lễ hội ở miền Trung vào dịp tết vừa mang tính chất cầu mong một năm mưa thuận gió hòa vừa nhằm tưởng nhớ công đức của người lập làng, truyền nghề.

Người dân Huế dù có quê ở huyện Phú Vang hay không cũng đều xem hội Vật làng Sình vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm là lễ hội chung. Hằng năm, cứ vào ngày này, người dân khắp nơi lại đổ về làng Sình ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) để xem đấu vật.

Sân của hội dựng ngay trước đình làng Sình. Nghề vật vốn là nghề của người dân làng Sình nên hội vật là cách để tưởng nhớ người khai canh làng. Dân làng Sình gọi người khai canh làng là Ngài, cứ đến ngày giỗ Ngài, dân làng tổ chức vật võ. Từ 2 giờ sáng mùng 10 tháng Giêng, lễ chính tế Ngài khai canh đã diễn ra và đến 7 giờ sáng, hội vật bắt đầu.

Tưng bừng lễ hội dân gian ảnh 1

Hội Vật làng Sình, hội Vật làng Thủ Lễ… là những lễ hội dân gian thu hút rất đông người dân lẫn du khách vào dịp tết. Trong ảnh: Hội Vật làng Thủ Lễ vào mùng sáu tháng Giêng năm Tân Mão (2011). Ảnh: THÁI LỘC

Từ xưa đến nay, hội Vật làng Sình thu hút người dân bởi tính chất mở rộng - không hạn chế đô vật từ các làng khác tham dự. Và ngày nay, do quy mô ngày càng phát triển, số người tham dự tăng lên theo từng năm, hội vật phải chia bảng theo độ tuổi như một cuộc thi lớn; gồm: bảng thiếu niên, thanh niên, trung niên và có các vòng sơ kết, bán kết, chung kết.

Cũng ở Huế vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, một lễ hội khác cũng được tổ chức nhằm nhắc nhớ người khai canh. Đó là Lễ hội Cầu ngư do người dân làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) tổ chức. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ vị khai canh của làng là Trương Quý Công (Trương Thiều) có công dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. 

Đây là lễ hội cầu ngư còn giữ đúng tính chất truyền thống và thu hút người dân, du khách tham gia đông nhất ở Huế. Lễ hội mô tả đúng những sinh hoạt trong nghề đánh cá qua các trò mang ý nghĩa trình diễn nghề, khắc họa đậm nét lễ nghi dân gian của cư dân ven biển. Cạnh đó, những phần múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư như múa hát bả trạo, tuồng, hò khoan… cũng được tái hiện.

Vui chơi ngày tết

Khác với miền Trung, tại những tỉnh miền núi phía Bắc, lễ hội vào dịp tết mang tính vui chơi là chính. Đây là cái tết đầu tiên những lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa được UBND huyện Sa Pa tổ chức.

Những lễ hội xuân như hội Xòe của dân tộc Tày ở xã Thanh Phú; hội Gầu tào của dân tộc Mông ở xã Tả Giàng Phình, xã San Sả Hồ; hội Hát then của dân tộc Tày ở xã Bản Hồ; hội Roóng poọc của người Dáy ở xã Tả Van... liên tục diễn ra từ mùng năm đến mùng tám tháng Giêng. Đây là những lễ hội xuân giữ được nhiều nét nguyên sơ, độc đáo của đồng bào các dân tộc ít người huyện vùng cao Sa Pa. Vì thế, các lễ hội luôn thu hút rất đông du khách, nhất là du khách quốc tế tới tham quan, khám phá.

Ngay tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học đã trở thành một điểm đến cho các gia đình khi muốn tìm về không khí tết dân gian. Từ mùng bốn đến mùng bảy tết hằng năm, bảo tàng đều tổ chức những hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian… Mỗi năm, văn hóa dân gian của một địa phương sẽ được chọn để giới thiệu. Tết này, bảo tàng tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất tổ Phú Thọ qua các điệu hát xoan của phường An Thái; trình diễn làm bánh tai, chơi trò bắt chạch trong chum gắn với tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội ở Tiên Du, Phù Ninh, Phú Thọ; biểu diễn các điệu múa dân gian và trò đi cà kheo thả đũa vào chai của dân tộc Cao Lan ở làng Ngọc Tân, Ngọc Quan, Đoan Hùng, Phú Thọ. Bên cạnh đó là những điệu hát múa diễn tả các công việc, ước vọng của cư dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ như hát múa bỏ, hát thuyền chèo… hay hát múa mời rượu với ý nghĩa giao hòa trời đất và chúc phúc; hát đúm đối đáp giữa các chàng trai làng và các đào hát… cũng được tái hiện. Bảo tàng cũng là không gian để khách du xuân tìm hiểu về tết của các dân tộc qua việc tham gia các trò chơi: múa sạp (Thái), ném pao (H’Mông), sắc màu, sỏi đá (Êđê)…

Những lễ hội dân gian không chỉ giúp vui những ngày xuân mà còn là nơi để các bạn trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc; là dịp để du khách biết nhiều hơn những nét đẹp trong văn hóa dân gian Việt.

Tưng bừng lễ hội dân gian ảnh 2

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm