Từng có vụ ly hôn tỉ phú 'kiểu' vợ chồng cà phê Trung Nguyên

Ngày 1-3 đến đây, tòa sẽ ra phán quyết cuối cùng với vụ ly hôn ngàn tỉ đồng của vợ chồng nhà Trung Nguyên. Tòa đã nghị án 5 ngày để xem xét thấu đáo mọi vấn đề vì có quá nhiều phức tạp liên quan đến tài sản hàng ngàn tỉ đồng của cặp vợ chồng này.

Vụ ly hôn ...nhanh như giao hàng

Trên thế giới câu chuyện tỉ phú ly hôn để phân chia tài sản cũng chưa bao giờ là đơn giản, nhưng cũng có những cặp vợ chồng tỉ phú giải quyết chuyện này nhanh như "trở bàn tay".

Theo Bloomberg Billionaires Index, tỉ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon có tài sản ròng trị giá 137 tỉ USD, được xem là người giàu nhất thế giới. Nhưng thế giới không chứng kiến cảnh tranh cãi, nói xấu nhau và tranh chấp tài sản, mà chỉ thấy vợ chồng tỉ phú này đưa thông tin đã ly hôn và tài sản chia đôi.

Do đó, Luật sư Christopher Melcher, hãng luật West Coast nói với hãng tin Bloomberg “vụ ly dị của vợ chồng tỉ phú nhà Amazon là Jeff và MacKenzie Bezos nhanh như cách mà Amazon giao hàng”.

Tuy nhiên, vấn đề chia đôi tài sản còn đến từ luật của Washington đã quy định mọi tài sản lập nên trong thời kỳ hôn nhân đều được chia đôi cho 2 vợ chống nếu ly dị. Có thể xem cặp đôi này chia tay nhau với tư cách bạn bè.

Một trường hợp tương tự là vợ chồng Sergey Brin, nhà sáng lập Google đang sở hữu tổng giá trị tài sản là 50 tỉ USD. Hai vợ chồng chia tay nhau nhưng vẫn cùng nhau tiếp tục duy trì số tài sản này trong nhiều năm qua.

Một vụ ly hôn đắt giá khác tại nước Mỹ thuộc về ông trùm dầu mỏ Harold Hamm với vợ ông ta là bà Sue Ann. Trước ly hôn, 2 vợ chồng này sở hữu tổng tài sản 1 tỉ USD, nhưng khi ly hôn, ông Harold Hamm đã viết tờ séc cho bà vợ gần 975 triệu USD để giải thoát cho nhau.

Không phải vụ nào cũng êm đẹp

Tuy nhiên, không phải vợ chồng nào khi ly hôn cũng giải quyết chuyện tiền bạc êm đẹp như vậy.

Vợ chồng tỉ phú Frank và Jamie McCourt, chủ sở hữu Tập đoàn Los Angeles Dodgers khi sống cùng nhau đã chi hàng triệu USD vào trang trí cho nhà cửa, xây hồ bơi, thậm chí bỏ ra 10 ngàn USD/tháng để thuê người làm tóc.

Luật sư Melcher, hãng luật Walzer Melcher (Los Angeles), cho biết, lúc ly dị, họ tranh chấp nhau tài sản, mở ra cuộc chiến công kích cá nhân nhau. Và mọi chuyện chỉ kết thúc khi anh chồng đồng ý đưa cho bà vợ 130 triệu USD để được ly dị.

Tại Việt Nam, ít người biết vụ ly hôn của vợ chồng chủ thương hiệu bánh Đức Phát. Hai vợ chồng nhà Đức Phát khá tương đồng với vợ chồng nhà Trung Nguyên là cùng nhau thành lập nên 2 thương hiệu lớn trên thị trường. Vợ quản lý hậu phương, còn chồng ra chinh chiến thị trường.

Khi ra tòa ly dị, 2 vợ chồng tự chia nhau tài sản, tòa không cần giải quyết. Nhưng rắc rối lớn chính là thương hiệu Đức Phát, vì 2 bên không đồng ý cùng làm chung với nhau.

Hai người cũng dự tính tạo ra thương hiệu Đức Phát 1, Đức Phát 2, nhưng sau đó tính toán lại sợ pha loãng thương hiệu, nên bà vợ quyết định trao 1 triệu USD cho chồng là ông Kao Siêu Lực để sở hữu thương hiệu Đức Phát tiếp tục kinh doanh.

Ông Lực đồng ý và cầm số tiền đó ra ngoài lập nghiệp lại với thương hiệu mới là ABC. Và hiện nay ông khá thành công với thương hiệu này khi mở rộng chuỗi cửa hàng và là nhà cung cấp chính cho chuỗi thức ăn nhanh quốc tế McDonald's, Burger King, Lotteria, Dunkin Donuts; các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Beans & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm