Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế năm 2024 tăng 15,08%, như mục tiêu đề ra, dư nợ cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong bối cảnh sức mua tăng dần trong giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tín dụng tiêu dùng sẽ tăng mạnh, nhất là khi thị trường bất động sản đang phục hồi.
Ngân hàng đua nhau thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial (thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản).
Được biết, từ tháng 10-2023, SeABank đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF cho AEON Financial với giá 4.300 tỉ đồng.
Theo SeABank, việc chuyển nhượng PTF nhằm giúp ngân hàng này cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo hướng trọng tâm và tăng trưởng bền vững.
Tương tự, ngân hàng SHB cũng nói lời chia tay với công ty tài chính SHB Finance. Theo đó, vào đầu tháng 11-2024, ngân hàng SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan là thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Trước đó, tháng 8-2021, SHB và Krungsri đã ký hợp đồng chuyển nhượng 100% vốn điều lệ SHBFinance theo hai giai đoạn. Lãnh đạo SHB cho biết thương vụ này đã và đang mang lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của ngân hàng.
SHB tiếp tục hợp tác với đối tác, phát triển kinh doanh bán lẻ với các nền tảng công nghệ, sản phẩm tiện ích, dịch vụ tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, SHB sẽ tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, tiếp tục đầu tư cho quá trình chuyển đổi, số hóa, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Trước đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thoái tới 49% số vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với giá 1,4 tỉ USD. Techcombank đã bán 100% vốn tại công ty tài chính Techcom Finance cho Tập đoàn Lotte Card của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ngân hàng MSB đang tiến hành kế hoạch bán Công ty tài chính TNEX Finance, được đổi tên từ FCCOM. Được biết, có 3 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm tới công ty tài chính này. Theo định giá ước tính của các chuyên gia tài chính, thương vụ bán vốn này nếu thành công có thể đem lại cho MSB nguồn thặng dư vốn lớn đạt từ 1.800 - 2.000 tỉ đồng.
Thị trường tài chính tiêu dùng đã hết tiềm năng?
Thực tế cho thấy một số công ty tài chính đã phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Công ty tài chính EVNFinance đạt khoảng 700 tỉ đồng, tăng 70% so với năm trước đó và vượt 20% kế hoạch được giao (585 tỉ đồng). Tổ chức này đang có chương trình cho vay tín chấp với hạn mức lên đến 50 triệu, thủ tục đăng ký 100% trực tuyến.
FE Credit chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2024 nhưng với lợi nhuận trước thuế quý III-2024 tăng gần gấp đôi so với quý II, đạt gần 300 tỉ đồng, hứa hẹn sự trở lại mạnh mẽ hơn trước khi thị trường tài chính tiêu dùng hồi phục.
Sau khi giải ngân 100% gói tín dụng 10.000 tỉ đồng dành cho công nhân, Công ty tài chính HDSaison tiếp tục triển khai gói tín dụng mới dành cho người lao động, đoàn viên, công nhân trên cả nước. Đáng chú ý, lãi suất cho nhóm khách hàng này chỉ là 1,5%/năm, tương đương 18%/năm, được vay tối đa 25 triệu và kéo dài trong 15 tháng. Thủ tục vay chỉ cần CCCD, bảo hiểm y tế, bằng lái xe hay đăng ký giấy phép lái xe hoặc hợp đồng lao động.
Đại diện lãnh đạo Công ty tài chính HDSaison
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Trong những năm vừa qua, công ty tài chính của các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu cao.
Nhất là sau dịch COVID-19, tín dụng tiêu dùng trở thành gánh nặng cho các công ty tài chính do rất nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ. Từ đó, thị trường cho vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính không được xem là “miếng mồi béo bở” của các ngân hàng thương mại nữa.
"Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài lại nhận thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam lại hết sức tiềm năng và dành sự quan tâm lớn", ông Hiếu nói.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết thêm: Khi không còn sự hiện diện của các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại vẫn đảm nhận chức năng cho vay tiêu dùng như trước nhưng mức độ không còn mạnh mẽ như trước đây.
Nguyên nhân là do điều kiện cho vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính thường đơn giản và dễ dàng hơn, trong khi các ngân hàng thương mại áp dụng những tiêu chí khắt khe hơn.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính giúp ngân hàng gia tăng hệ số an toàn vốn và cải thiện thặng dư vốn. "Chính vì thế, khi thấy thị trường tài chính tiêu dùng không “ngon ăn” nữa thì ngân hàng thương mại chọn giải pháp bán đứt đứa con đẻ của mình cũng là điều dễ hiểu”, vị lãnh đạo nhà băng nói.