7 công ty tài chính tiêu dùng bị cơ quan chức năng 'sờ gáy'

(PLO)- Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, hiện có 7 công ty tài chính trên địa bàn thành phố đã bị cơ quan chức năng kiểm tra nhưng chưa có kết luận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM đưa ra tại tọa đàm "Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" do báo Người lao động tổ chức ngày 20-4 tại TP.HCM.

Còn thiếu 2 công ty tài chính chưa nộp báo cáo

Ông Minh cho biết tính đến ngày 19-4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại TP.HCM đã nhận được báo cáo của 10/12 công ty tài chính tiêu dùng hội viên, trừ Mirae Asset và VietCredit chưa gửi báo cáo.

Qua tổng hợp báo cáo về thực trạng hoạt động, VNBA nhận thấy 10 hội viên đã nộp báo cáo đều tuân thủ khá đúng các quy định của NHNN về hoạt động cho vay và thu hồi nợ trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Cụ thể, các thành viên này đã thực hiện và tuân thủ khá nghiêm túc các quy định của Thông tư 43 và Thông tư 18 do NHNN ban hành (quy định chi tiết về nguyên tắc vay và cho vay tiêu dùng, phương pháp cho vay, lãi suất cho vay, xử lý khi khách hàng không trả nợ đúng hạn hoặc văn hóa thu hồi nợ…)

"Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chúng tôi phát hiện có một công ty tài chính tiêu dùng thuê dịch vụ pháp lý bên ngoài để thực hiện việc thông báo và nhắc nợ với khách hàng. Đến nay có 7/10 công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng hiện chưa có kết luận nào" - ông Minh nói.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều tài liệu liên quan đến tín dụng đen. Ảnh: PP

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều tài liệu liên quan đến tín dụng đen. Ảnh: PP

Công ty tài chính bị đánh đồng là tín dụng đen

Theo lãnh đạo VNBA, từ quý IV-2022 đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng tại địa bàn TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp.

Một vấn đề khác cũng được các công ty tài chính hiện nay vô cùng đắn đo là thương hiệu công ty tài chính được cấp phép hoạt động chính thống nhưng lại bị đánh đồng với các công ty tài chính tiêu dùng bất hợp pháp.

"Cả nước hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng trên địa bàn TP.HCM có nhiều ứng dụng cho vay tiêu dùng không được NHNN cấp phép bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Điều này lại gây ra tình trạng ngộ nhận, đánh đồng với công ty tài chính được cấp phép. Do đó nhiều doanh nghiệp cho vay tài chính tiêu dùng chính thống bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen" - ông Minh nói.

Hoạt động cho vay và thu hồi nợ của các công ty tài chính trong quý I tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ.

Nếu loại trừ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại và chỉ tính riêng các công ty tài chính tiêu dùng thì trong giai đoạn 2016-2022 các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%/năm, chiếm 14-15% tổng dư nợ. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung về tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, bước vào quý I-2023 thì hoàn toàn ngược lại.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết một khó khăn của các công ty tài chính tiêu dùng là đội ngũ nhân sự chính thống nghỉ việc nhiều trong khi khó tuyển dụng do định kiến xã hội, rủi ro nghề nghiệp.

Chưa kể tình trạng chây ỳ, cố tình không trả nợ của các khách hàng đi vay. Thông thường khách hàng của công ty tài chính là khách hàng dưới chuẩn của các ngân hàng thương mại, có tình trạng thu nhập thấp, nơi ở không ổn định, hiểu biết về tài chính tiêu dùng rất thấp. Do đó, họ cố tình chây ì không trả nợ. Thậm chí có cán bộ tín dụng nhắc nợ để trả nợ thì họ còn đe dọa ngược trả lại

"Từ những lý do trên để thấy hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính hiện đang rất khó khăn.

Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, chúng tôi cho rằng cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng gây ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật" - ông Minh nói thêm.

Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Đồng thời, cần truyền thông rõ về nghĩa vụ người đi vay, cảnh báo những rủi ro khi trả nợ không đúng hạn. Đặc biệt, các công ty tài chính cũng cần phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ...

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm