Tướng Khafifa Haftar tuyên bố bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch tấn công Tripoli, hãng tin Sputnik đưa tin ngày 23-4. Tướng Haftar chỉ đạo lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) ở TP Benghazi và miền Đông Libya đánh về thủ đô Tripoli do chính quyền Hòa hợp dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo từ ngày 4-4.
Ngày 23-4, người phát ngôn LNA Ahmed Al-Mismari cho biết lực lượng LNA đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu cố gắng tấn công căn cứ không quân al-Jufra do LNA kiểm soát. Theo người phát ngôn LNA Al-Mismari, có tất cả ba chiếc máy bay cố tấn công căn cứ al-Jufry, một chiếc bị lực lượng phòng không ở căn cứ không quân này bắn rơi, hai chiếc thoát được. Đáp lại, lực lượng GNA nói mình không mất máy bay quân sự nào.
Được ông Trump bật đèn xanh?
Đáng lưu ý, việc lực lượng LNA tăng cường tấn công Tripoli từ đầu tuần cũng như chỉ đạo bắt đầu giai đoạn 2 đánh Tripoli của tướng Haftar đến không lâu sau khi Nhà Trắng ngày 19-4 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với tướng Haftar. Cuộc điện đàm diễn ra từ ngày 15-4 và chưa rõ tại sao Nhà Trắng phải đợi đến gần cả tuần mới ra thông báo.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Trump “công nhận vai trò quan trọng của nguyên soái Haftar trong chống khủng bố, bảo vệ các nguồn dầu của Libya và hai bên đã chia sẻ tầm nhìn về việc Libya chuyển tiếp lên một hệ thống chính trị ổn định, dân chủ”.
Nhà nghiên cứu Jalel Harchaoui tại Viện Quan hệ quốc tế Clingendael (Hà Lan) nhận định cuộc điện đàm giữa ông Trump có thể được xem tương đương với sự ủng hộ chiến dịch đánh Tripoli của tướng Haftar.
Ngày 21-4, một số nguồn tin Mỹ cho biết ông Trump có vẻ đã thể hiện sự đồng thuận của mình hay nói cách khác là bật đèn xanh cho tướng Haftar. Theo thông tin từ báo Haaretz, gần đây Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng có nói chuyện với tướng Haftar.
Tướng Haftar có lịch sử quan hệ lâu dài với Mỹ. Từng là sĩ quan dưới thời lãnh đạo Muammar al-Gaddafi, tướng Haftar sau đó đoạn tuyệt quan hệ với ông Gaddafi từ thập niên 1980 và nhận được sự ủng hộ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trước khi sang sống lưu vong ở bang Virginia (Mỹ). Sau hai thập niên sống ở Mỹ, ông Haftar quay về Libya tham gia cuộc nổi dậy chống ông Gaddafi.
Có hai lý do để Mỹ bị thu hút về phía tướng Haftar. Libya được xem là kho dự trữ dầu lớn nhất châu Phi và với chính phủ Trump, sản lượng dầu khai thác từ Libya là một yếu tố quan trọng giúp kìm giữ giá dầu toàn cầu. Ngoài ra, tướng Haftar còn thể hiện vai trò quan trọng của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, nhận được thiện cảm từ nhiều cơ quan quân đội và tình báo Mỹ. Tướng Haftar còn cho phép CIA lập một trụ sở ở TP Benghazi.
Lực lượng LNA bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch đánh Tripoli theo lệnh của tướng Haftar. Ảnh: REUTERS
Phe Tripoli thất thế
Theo đài Al Jazeera, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và tướng Haftar dường như khẳng định thêm thiện ý của Mỹ với phe LNA. Dù về chính thức Mỹ vẫn ủng hộ chính quyền GNA ở Tripoli được thành lập theo thỏa thuận chính trị Libya để thống nhất đất nước này.
Nhiều nhà quan sát lo ngại cuộc điện đàm của ông Trump sẽ khiến bạo lực leo thang hơn đồng thời cản trở các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn cho Libya. Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 18-4, không chỉ Nga mà cả Mỹ cũng từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên Libya ngừng bắn, yêu cầu các nước có ảnh hưởng đến các bên ở Libya tuân thủ nghị quyết. Nghị quyết này do Anh soạn thảo, đổ lỗi cho tướng Haftar gây ra làn sóng bạo lực mới này. Mỹ không đưa ra lý do cho quyết định không ủng hộ của mình.
Chúng ta cần củng cố thông điệp rằng chúng ta không đứng về bên nào và chúng ta bác bỏ sử dụng sức mạnh quân sự như một giải pháp giải quyết các vấn đề ở Libya. Thượng nghị sĩ Mỹ LINDSEY GRAHAM lên tiếng sau khi ông Trump điện đàm với tướng Haftar |
Báo Guardian nhận định việc lực lượng LNA tăng cường không kích Tripoli có liên quan đến cuộc điện đàm của ông Trump với tướng Haftar. Theo các nhà quan sát, Mỹ dường như chấp nhận quan điểm của các đồng minh lớn ở Trung Đông ủng hộ cuộc tấn công của tướng Haftar về Tripoli. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Pháp, những nước ủng hộ tướng Haftar đều là đồng minh của Mỹ.
Một tuần trước khi phát động đánh Tripoli, tướng Haftar qua Saudi Arabia, gặp vua Salman cùng thái tử Mohamed bin Salman và được đề nghị hỗ trợ hàng chục triệu USD để trang trải cho chiến dịch đánh Tripoli. Báo Wall Street Journal từng đưa tin Saudi Arabia ủng hộ và hỗ trợ tài chính cho chiến dịch của tướng Haftar.
Nhà phân tích Harchaoui lo ngại: “Việc Mỹ có tiếng nói thiện chí với ông Haftar là một sự kiện lớn, có thể góp phần làm nhụt tinh thần phe GNA hoặc làm suy yếu, chia rẽ liên minh chống LNA và điều này làm tăng nguy cơ mở rộng cuộc xung đột nội đô phi nghĩa”.
Nhiều phản ứng về cuộc điện đàm của ông Trump Thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Haftar nhận nhiều phản ứng gay gắt từ nhiều bên: Các nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, nhiều cựu quan chức Mỹ. Trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ - nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff không tiếc lời chỉ trích ông Trump: “Ông Trump đã công nhận tướng Haftar ở Libya, một nhà độc tài tấn công một chính quyền được Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Tương tự việc đảo ngược trừng phạt Triều Tiên vài tuần trước, quyết định của ông Trump đi ngược lại các tuyên bố của chính nội các mình. Đánh giá sai lầm và thiếu năng lực là một tổng hòa đầy nguy hại”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham bình thường vốn bảo vệ ông Trump lần này lên tiếng lo ngại hành động của vị tổng thống Mỹ này “tạo ra sự mất cân bằng” giữa các bên xung đột ở Libya, sẽ hủy hoại các nỗ lực ngăn nước này rơi vào nội chiến mất kiểm soát. Ông Jeffrey Feltman, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, cho rằng động thái điện đàm cho thấy ông Trump thừa nhận tướng Haftar và việc này đi ngược lại chính sách của Mỹ. Cùng quan điểm với ông Feltman, cựu đại sứ Anh tại Libya Peter Millett chỉ trích việc Mỹ không xem chiến dịch đánh Tripoli của tướng Haftar là nhằm chiếm quyền lực chứ không phải chống khủng bố như ông Haftar nói. |