Các lực lượng ủng hộ Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj được Liên Hiệp Quốc công nhận đã đẩy lùi thành công các binh sĩ trung thành với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar dẫn đầu trong một cuộc phản công ngày 23-4.
Hãng tin Reuters ngày 23-4 cho biết, lực lượng của Tướng Haftar đã bị đẩy lùi hơn 60 km về phía tây nam thủ đô Tripoli. Cũng theo Reuters, ít nhất bốn binh sĩ của quân đội LNA thiệt mạng sau đợt phản công của GNA.
Binh sĩ LNA thời điểm tiến về thủ đô Tripoli hôm 7-4. Ảnh: REUTERS
Các nguồn tin địa phương cho biết thị trấn Aziziya hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ủng hộ chính phủ Tripoli và các cửa hàng đã mở cửa trở lại sau nhiều ngày giao tranh khốc liệt.
Trước đó trong ngày 23-4, người phát ngôn LNA Ahmed Al-Mismari cho biết lực lượng tướng Haftar tuyên bố đã bắn hạ một máy bay quân sự của các nhóm vũ trang cố gắng tấn công căn cứ quân sự al-Jufra, theo hãng tin Sputnik.
Chiếc máy bay bị lực lượng phòng không của căn cứ quân sự al-Jufry bắn rơi.
“Lực lượng phòng vệ dưới mặt đất đóng tại al-Jufra đã bắn hạ một máy bay quân sự của nhóm khủng bố khi nó cố gắng tấn công một căn cứ quân sự vào sáng nay… Có ba máy bay và hai chiếc kia đã bay đi… Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay bị bắn rơi cùng phi công đang được tiến hành”, ông Al-Mismari cho biết.
Tuy nhiên, lực lượng chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj phủ nhận mất máy bay quân sự.
Nguyên soái Khalifa Haftar ngày 4-4 mở chiến dịch quân sự đánh chiếm Tripoli và bắt giữ binh sĩ liên hệ với GNA. Vài ngày sau, các lực lượng thề trung thành với GNA cũng phát động chiến dịch quân sự mang tên “Núi lửa giận dữ” đánh trả phe LNA.
Những ngày gần đây, lực lượng thân chính phủ Tripoli đã đẩy lùi được lực lượng LNA ra khỏi khu vực Ain Zara ngoại ô phía Nam Tripoli bất chấp việc quân đội LNA cho biết họ đã tiến hành không kích một số khu vực quân sự trong thủ đô này.
Các lực lượng thề trung thành với quân GNA nhắm mục tiêu trong khi giao tranh với phe LNA ở Ain Zara, ngoại ô Tripoli hôm 23-4. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, phát ngôn viên của LNA Al-Mismari phủ nhận việc lực lượng này thất bại, đồng thời cho biết cuộc tiến công của LNA đang chậm lại do có nhiều dân thường tại các khu vực giao tranh.
Ngày 22-4, các lực lượng ở phía Đông Libya thông báo bắt đầu giai đoạn thứ hai của chiến dịch đánh chiếm Tripoli, là nơi đặt các cơ quan của chính phủ Libya được quốc tế công nhận. Ông Al-Mismari phát biểu với báo giới rằng LNA đang kêu gọi các lực lượng dự bị mở một cuộc tấn công mới vào Tripoli, cũng như họ sẽ sử dụng pháo binh và bộ binh trong những ngày tiếp theo của cuộc giao tranh.
Ngày 22-4, giao tranh ở phía nam Tripoli đã giảm bớt so với những ngày trước đó do thời tiết xấu hạn chế tính hiệu quả của các cuộc không kích.
Các cuộc giao tranh giữa hai bên làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tồi tệ ở quốc gia Bắc Phi này.
Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức
Ông Tariq Jarasevic, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23-4 cho hay số lượng người chết trong các vụ giao tranh giữa hai bên ở Tripoli đã tăng lên con số 264 người, theo đài Press TV.
Ông Jarasevic thêm rằng khoảng 1.266 người bị thương trong tuần thứ ba giao tranh. Ông lưu ý ít nhất 21 người thiệt mạng và 69 người bị thương là dân thường. Ngoài ra, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết 32.000 người dân đã đi lánh nạn kể từ khi xung đột bùng phát.
“Chúng tôi kêu gọi các bên bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo”, phát ngôn viên UNHCR Barbar Baloch nói.
Hôm 22-4, phó phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc về Libya - bà Maria do Valle Ribeiro bày tỏ quan ngại trước tình hình tỉ lệ dân thường rời bỏ nhà cửa ngày càng tăng, nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Quốc cần tăng cường phản ứng nhân đạo tại quốc gia chiến sự này.
Thành viên của lực lượng GNA kiểm tra các phương tiện quân sự bị phá hủy thuộc về lực lượng tướng Haftar ở vùng al-Hira, Tây Nam Tripoli hôm 23-4. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Cairo (Ai Cập) hôm 23-4 đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức và vô điều kiện cuộc chiến ở Libya.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Tổng thống Rwanda Paul Kagame và Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã hối thúc tất cả các bên hành động kiềm chế và hỗ trợ cung cấp viện trợ nhân đạo.
Libya chìm trong tình trạng bạo lực ngày càng tăng kể từ năm 2011, thời điểm nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ sau cuộc can thiệp quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc ông Gaddafi bị lật đổ tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn ở Libya, dẫn tới tình trạng hỗn loạn và đối đầu của nhiều nhóm vũ trang, băng đảng tội phạm và tổ chức khủng bố.
Libya hiện tại bị chia rẽ làm khai khu vực do hai phe quyền lực kiểm soát. Phe LNA do Tướng Haftar lãnh đạo kiểm soát TP Benghazi và miền Đông, và phe GNA do Thủ tướng Sarraj lãnh đạo kiểm soát thủ đô Tripoli và miền tây.