Ngày 2 và 3-6, 83.324 học sinh (HS) lớp 9 tại TP.HCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Trong giai đoạn nước rút, các nhà giáo giàu kinh nghiệm đã chia sẻ những lời khuyên để các em có thể đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Tây (quận 6, TP.HCM) trong một tiết ôn tập. Ảnh: KHÁNH CHI
Môn văn: Nắm vững kiến thức và có kỹ năng khi làm bài
Cô Phạm Thanh Xuân (giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3) chia sẻ: Muốn làm tốt môn ngữ văn, HS cần phải đọc kỹ đề và phân phối thời gian làm bài thật hợp lý.
Cụ thể, đọc phân tích yêu cầu trong 3 phút, làm câu đọc hiểu trả lời ngắn gọn trong 15 phút, nghị luận xã hội giải quyết nhanh trong 25 phút, 75 phút còn lại làm nghị luận văn học, 5 phút cuối đọc lại bài làm.
Đặc biệt, các em cần phải lập dàn ý, trình bày theo thứ tự dàn ý, có bố cục, tách đoạn rõ ràng.
Đối với nghị luận xã hội, mở bài nên từ chủ đề có sẵn trong bài dẫn dắt vào. Thân bài chú trọng phần liên hệ, vấn đề này tác động như thế nào với bản thân.
Còn đối với nghị luận văn học, cần đọc kỹ hai đề và lập dàn ý, phân phối ý cân đối, tránh sa đà vào một luận điểm quá nhiều. Nếu còn thời gian thì chuyển qua phần đánh giá và liên hệ.
Trong khi đó, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) cho rằng HS và giáo viên không nên bỏ qua đề thi của các năm trước. Bởi Sở GD&ĐT có thể sử dụng những đề đó làm phần liên hệ mở rộng trong đề thi năm nay.
“Hiện nay tôi vừa ôn, vừa theo dõi và nắm bắt những vấn đề xã hội nổi bật để dặn dò các em chú ý. Nó có thể trở thành đề nghị luận xã hội hoặc câu liên hệ thực tế trong bài nghị luận văn học” - thầy Bảo nói thêm.
Thầy cũng lưu ý: “HS nên đảm bảo kiến thức cơ bản và kỹ năng tốt khi làm bài. Bởi trong kỳ thi tuyển sinh lớp10, môn văn không cần kiến thức quá cao, quá sâu, mà chỉ đòi hỏi mức độ kiến thức cơ bản”.
Môn toán: Cần đọc kỹ đề
Thầy Nguyễn Đăng Khoa (giáo viên Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho biết do tình hình dịch bệnh nên đề thi môn toán năm nay sẽ giảm bớt câu mang tính chất phân hóa. Do đó, lượng câu dễ kiếm điểm cho các em sẽ nhiều hơn. Vì thế, khi làm bài, các em phải đọc đề thật kỹ và cẩn thận khi đặt bút.
Câu 1 là bài toán đồ thị, câu 2 là hệ thứ Vi-et. Đây là hai bài toán ở mức độ vừa phải để HS dễ lấy điểm, đòi hỏi các em phải hết sức cẩn thận. Hai câu này hầu như HS làm được, do đó phải đảm bảo tính cẩn thận.
Tiếp theo, phần toán thực tế gồm năm bài. Mức phân hóa đề thi sẽ giảm bớt nên năm nay sẽ có nhiều bài dễ thở hơn. Do đó, các em phải ôn thật kỹ, phong phú các dạng toán thực tế. Đọc đề, gạch dưới những chi tiết quan trọng, dữ kiện trong đề. Từ đó bình tĩnh vạch ra hướng giải để chắc chắn làm được 3/5 bài.
Tới phần hình học, HS phải ôn theo chủ đề và ôn tập trung ở câu A và câu B. Ví dụ, hai chí tuyến cắt nhau ngoài đường tròn, dạng tam giác nội tiếp đường tròn. Mỗi câu tập trung vào ý dễ chỗ câu A, từ câu A phải chú ý yêu cầu chứng minh ở câu B. Nó là dữ kiện người ta gợi ý mình suy nghĩ cho câu khó là câu C.
Thầy Khoa cho biết HS thường bị điểm thấp là do các em suy nghĩ chỉ làm câu A, các em không cố gắng tư duy để làm thêm câu B của hình học.
Thứ hai, trong bài toán thực tế, các em bị trừ điểm về vấn đề làm tròn. Đồng thời, nhiều em chỉ làm được những bài mang tính chất khuôn mẫu ở bài thực tế. Còn đề bài tư duy xíu, dùng từ ngữ, lời văn để diễn đạt giống như chơi chữ thì các em bị hoang mang, không hiểu vấn đề nên không làm được trong khi bài toán không khó.
Tiếng Anh: Nắm chắc vốn từ vựng
Đối với môn tiếng Anh, cô KA (giáo viên Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân) cho biết muốn đạt điểm cao, các em phải nắm chắc vốn từ vựng. Bởi vì đề thi theo khuynh hướng mới của sở những năm gần đây, gần như nghiêng về từ vựng rất nhiều. Về yếu tố ngữ pháp cũng cần nhưng không nhiều như từ vựng. Do đó, vấn đề mấu chốt là các em phải nắm chắc từ vựng, đặc biệt là vốn từ vựng xuất hiện nhiều trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa lớp 9 cũng có nguồn vốn từ vựng rất nhiều.
Khi làm bài, các em phải đọc thật kỹ từng câu, nắm chắc người ta đang hỏi về vấn đề gì để chọn phần trắc nghiệm A, B, C, D đúng. Tại vì khi ra đề, nếu các em đọc không chuẩn các câu trắc nghiệm, các em bỏ đi những yếu tố, một số từ quan trọng (key word) thì các em sẽ chọn sai đáp án.
Thứ hai, theo kinh nghiệm đi chấm thi tuyển sinh lớp 10, nhiều em hơi ẩu trong cách viết chữ. Vấn đề này cũng khá quan trọng để các em làm bài thi có điểm tốt. Các em phải viết thật kỹ, chuẩn từng nét chữ, tránh tình trạng gạch, sửa chữa nhiều trong bài thi.
Trong thực tế, nhiều em bị mất điểm ở môn này do vấn đề về chữ viết. Hơn nữa, trong yêu cầu của đề phải viết câu trả lời vào phần trả lời ở mỗi phần bài thi. Tuy nhiên, một số em không đọc kỹ, chỉ khoanh chọn đáp án trên đề bài mà không ghi xuống phía dưới.
Một yếu tố mất điểm nữa là ví dụ các em chọn đáp án A, sau đó các em quyết định bỏ và thay bằng đáp án B nhưng các em không gạch bỏ đáp án A để ghi lại đáp án B mà các em lại đồ đáp án A để nó trở thành đáp án B. Những cái sai quy định thì cũng sẽ bị mất điểm trong quá trình giám khảo chấm…•
Xử lý với thí sinh đi thi muộn Đối với các trường hợp thí sinh đi thi muộn, Sở GD&ĐT TP.HCM quy định tất cả trường hợp có mặt tại cổng điểm thi chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. Trường hợp thí sinh đến cổng điểm thi trễ trong thời gian cho phép, trưởng điểm thi chịu trách nhiệm xác định đủ điều kiện tham gia thi hay không. Nếu đủ điều kiện, trưởng điểm thi phân công thư ký lập biên bản theo thời gian có mặt tại cổng trường (gửi kèm hồ sơ coi thi) và phân công cán bộ coi thi dẫn thí sinh lên phòng thi. Tất cả trường hợp đến trễ mà được phép dự thi thì vẫn nộp bài theo thời gian thi quy định, không được cộng thêm thời gian. Sở GD&ĐT TP.HCM |