Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm đầu vào (điểm sàn) năm 2021 ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhìn chung, dù điểm thi năm nay được đánh giá là cao nhưng điểm sàn ở hầu hết các trường, các ngành học không có nhiều biến động so với năm 2020.
Tăng nhẹ ở những ngành hot
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, chậm nhất ngày 24-8, bộ và các địa phương mới công bố điểm thi tốt nghiệp đợt 2. Và trước 17 giờ ngày 28-8, các trường ĐH phải công bố điểm sàn để thí sinh tham khảo.
Tuy nhiên, ngay khi có điểm thi đợt 1, rất nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển. Đây là căn cứ để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp với mức điểm thi của bản thân và điểm nhận hồ sơ của trường.
Đến thời điểm này, một trong số ít trường có mức điểm sàn cao nhất vẫn là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khi lấy từ 18 đến 26 điểm. Mức này tương đương năm 2020 nhưng số ngành lấy điểm sàn cao lại nhiều hơn.
Các ngành như công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (nhân tài), robot và trí tuệ nhân tạo (nhân tài), công nghệ kỹ thuật ô tô (nhân tài), công nghệ thông tin (nhân tài), công nghệ kỹ thuật cơ điện tử (nhân tài)… đều có mức sàn từ 26 điểm.
Theo công bố mới nhất của Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), điểm sàn xét tuyển vào 21 chuyên ngành đào tạo bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay của trường dao động từ 17 đến 18 điểm. Trong đó, hai ngành lấy điểm cao nhất là luật kinh tế quốc tế và khoa học máy tính.
Theo nhà trường, so với năm 2020, điểm sàn của trường tăng 2-3 điểm tùy ngành học.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, mức điểm sàn năm nay của 34 ngành học dao động từ 15 đến 21 điểm. Trong đó, cao nhất vẫn là ngành công nghệ thực phẩm và quản trị kinh doanh với 21 điểm. Ba ngành khác có mức điểm 20 là ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Mức điểm này tương đương năm 2020, riêng ngành quản trị kinh doanh năm nay tăng đến 2 điểm.
Nhiều trường ĐH khác cũng có mức điểm sàn tăng nhẹ so với năm 2020.
Trường ĐH Tài chính - Marketing điểm sàn tăng 1 điểm khi lấy 19 điểm, chung cho các ngành.
Trường ĐH Ngoại thương tại Cơ sở Hà Nội và TP.HCM có điểm sàn là 23,8, cao hơn năm 2020 1 điểm.
Trong khi đó, điểm sàn của nhiều trường chỉ tương đương năm 2020, như Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (từ 16 đến 21 điểm), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (20 điểm)…
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2021. Ảnh: PHẠM ANH
Điểm trúng tuyển học bạ cao “khủng”
Bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay đa số các trường ĐH cũng dành chỉ tiêu tương đối cho xét tuyển bằng học bạ THPT.
Và đến thời điểm này, hầu hết các trường đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức này. Ở nhiều ngành hot, điểm trúng tuyển cũng ở mức rất cao.
Trong đó, cao nhất phải kể đến là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi có mức điểm trúng tuyển dao động từ 24 đến 29,75 điểm. Ngành sư phạm hóa học với 29,75 điểm, tức gần 10 điểm/môn mới trúng tuyển. Kế đến là sư phạm toán học với 29,52 điểm. Một số ngành trên 28 điểm như sư phạm vật lý, sư phạm tiếng Anh, giáo dục tiểu học…
Tuy nhiên, theo ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo của trường, vì năm nay trường chỉ tuyển tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành bằng kết quả học tập THPT trong khi số lượng thí sinh đăng ký nhiều nên điểm trúng tuyển cũng cao.
Mặc dù năm nay xét tuyển đến 40% tổng chỉ tiêu bằng học bạ nhưng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lại có mức điểm trúng tuyển khá cao.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo của trường, cho biết số lượng thí sinh đăng ký xét học bạ năm nay cao hơn hẳn năm 2020. Điểm trúng tuyển các ngành cũng dao động từ 20 đến 27 điểm. Trong đó, ngành có điểm cao nhất là kinh doanh quốc tế với 27 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có điểm chuẩn theo học bạ khá cao dù trường dành đến 40%-60% tổng chỉ tiêu. Tổng nguyện vọng trường nhận được cũng hơn 41.000.
Trong đó, nhiều ngành ở chương trình đại trà có điểm trúng tuyển ở mức từ 29 như công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng…
6 mốc thời gian thí sinh cần lưu ý - Chậm nhất ngày 26-8, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe. - Trước 17 giờ ngày 28-8, các cơ sở đào tạo điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. - Từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9, thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến. Với thí sinh cần điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ. - Các cơ sở đào tạo thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh từ ngày 12-9 đến 17 giờ ngày 15-9 và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 16-9. - Trước 17 giờ ngày 26-9, thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 (tính theo dấu bưu điện). - Dự kiến từ ngày 3-10, cơ sở đào tạo tiến hành xét tuyển bổ sung. |