Thời gian qua, Thương vụ tại Thái Lan đã nhận được một số đề nghị từ phía doanh nghiệp Việt Nam về việc hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong quá trình liên hệ và giao dịch thương mại với doanh nghiệp Thái Lan.
Mua rồi quỵt, không chịu giao tiền
Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu Thái Lan trên mạng Internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác.
Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt Nam nên đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng, nhiều nhất là đối với mặt hàng giấy A4.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thông tin đối tác tại Thái Lan và hạn chế gặp những trường hợp đáng tiếc trong quá trình giao dịch, Thương vụ xin chia sẻ một số khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với đối tác.
Cụ thể doanh nghiệp phải xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch, hạn chế tìm kiếm và giao dịch với các khách hàng trên các trang web không uy tín và không kiểm chứng thông tin doanh nghiệp.
Do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Thái Lan tương đối gần, đường bay thuận tiện, doanh nghiệp nên trực tiếp sang địa bàn để thẩm định và làm việc trực tiếp với đối tác hoặc có thể nhờ các kênh chính thống như Thương vụ Việt Nam xác minh thông tin.
“Theo quy định, các doanh nghiệp Thái Lan đăng ký giấy phép kinh doanh với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Department of Businesss Development). Thông tin đăng ký doanh nghiệp đăng tải tại cổng thông tin www.dbd.go.th/Applications/cds/.
Để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo, cần kiểm tra kỹ thông tin về tên doanh nghiệp, số điện thoại liên hệ và địa chỉ email sử dụng tên miền công ty thay vì các tên miền công cộng như yahoo, gmail,...”, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan lưu ý.
Trong quá trình trao đổi, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tác (chuyển tiền làm visa, thanh toán trước giá trị lô hàng, chi trả các chi phí phát sinh).
Đối với các giao dịch trong quá trình làm việc, yêu cầu đối tác cung cấp thông tin đầy đủ kèm theo hóa đơn để tiện xác minh với cơ quan có thẩm quyền.
Viết Nam nhập ngày càng nhiều hàng từ Thái Lan
Không ký hợp đồng qua hình thức điện tử
Liên quan đến thanh toán xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan khuyến nghị: Khi đàm phán và ký kết hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn phương thức thanh toán, phương thức giao hàng an toàn.
Hợp đồng phải quy định rõ điều khoản bồi thường và cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
Đặc biệt, không ký kết hợp đồng và gửi qua hình thức điện tử, chia sẻ trên các ứng dụng mạng xã hội (Viber, Facebook, Line, Etc) hay qua Email.
Không chấp nhận hình thức thanh toán TT (trả trước một phần của tổng giá trị giao dịch) khi chưa biết rõ về doanh nghiệp đối tác bởi đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam không liên lạc được với đối tác Thái Lan sau khi chuyển tiền.
Theo Bộ Công Thương, trong năm qua, dù tăng cường xuất khẩu vào Thái Lan với tốc độ tăng trưởng đến 29% nhưng tổng giá trị mới đạt đến 4,8 tỉ USD; trong khi ở chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu đến 10,3 tỉ USD.
Như vậy, trong thương mại song phương với từng nước trong ASEAN, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Thái Lan với con số lên đến 5,5 tỉ USD.
Mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất là rau quả (tăng 111%), đạt 866 triệu USD.
Khi phát hiện nghi vấn trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan theo địa chỉ sau: - Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan - Địa chỉ: 83/1 Wireless Road, Lumpini, Pathumwan, Bangkok 10330 Thailand - Điện thoại: (+66) (0) 2251 3352 (Ext. 118) - Email: th@moit.gov.vn; vietnamtradeofficebkk@gmail.com |