Tuyết Loan xứng danh “nữ hoàng nhạc jazz”

Nếu ai tiếp xúc với Tuyết Loan sẽ khó nghĩ mình đang trò chuyện với một người đã ngoài 60 tuổi bởi giọng rặt Sài Gòn và sự vui vẻ luôn hiện diện trên khuôn mặt của Tuyết Loan. Đặc biệt khi nói về âm nhạc thì ánh mắt Tuyết Loan luôn lấp lánh say mê.

Thời “không hát là chết đói”

Mê hát từ ngày bé ở trong trường, mỗi lần được thầy cô kêu lên hát, cô bé Tuyết Loan ngày đó luôn sẵn sàng lên bục ca. Hát nghêu ngao mọi nơi để đến ngày 14 tuổi, Tuyết Loan chính thức bỏ học đi hát mặc gia đình cấm cản, mặc người cha nghiêm khắc đã đem hết quần áo của chị đi đốt. Tuyết Loan vẫn hát.

14 tuổi đi hát tự nuôi sống bản thân. 17 tuổi lập gia đình rồi sinh con đầu lòng. 20 tuổi một tay nách hai con khi chồng bỏ, mẹ ruột thì qua đời. Và từ 20 tuổi cho đến ngoài 30 tuổi là những năm tháng khốn khó vì một mình Tuyết Loan nuôi cha đi cải tạo, hai đứa con và sáu người em trong nhà. Đó là quãng thời gian không bao giờ Tuyết Loan dám nghỉ hát và cô hát bất cứ nhạc gì miễn có tiền nuôi gia đình.

Ít ai nghĩ Tuyết Loan của những năm 1970 từng hát nhạc soul, pop… ở các câu lạc bộ Mỹ thì những năm 1980-1990 lại hát đủ thể loại nhạc, từ nhạc cách mạng đến nhạc thời kỳ đổi mới… Chị hát mọi nơi, từ các đoàn ca múa nhạc nhà nước đến các đoàn hát chui rày đây mai đó. Đó là những năm nhạc ngoại chưa được phép lưu hành trở lại. Cho đến năm 1988-1989, nhạc ngoại và những ca khúc sáng tác trước 1975 mới được phép lưu hành qua chuỗi băng đĩa nhạc của Sài Gòn Audio, Vafaco. Một trong những ca khúc đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Tuyết Loan là ca khúc pop Woman in love trong một băng nhạc của Vafaco.

Nhưng để trở lại được với những ca khúc nhạc ngoại yêu thích sau gần 15 năm không hát, Tuyết Loan mỗi ngày đã phải dành dụm tiền thuê thầy về dạy kèm thêm tiếng Anh tại nhà.

 
Với nhiều ca sĩ đi hát vì nổi tiếng, vì yêu thích, còn với Tuyết Loan, ngoài đam mê thì hát là để mưu sinh. Ảnh: PHẠM THẾ DANH

“Nữ hoàng nhạc jazz”… không ngai

May mắn để người ta biết đến cái tên Tuyết Loan cũng từ các tụ điểm ca nhạc. sau năm 1990, các tụ điểm ca nhạc, vũ trường trên địa bàn TP.HCM được phép mở lại, Tuyết Loan tập trung về hát tại các nơi này. Và năm 1993, một nhóm sản xuất từ Singapore sang TP.HCM để xem hát ở một quán bar Sài Gòn, giọng ca Tuyết Loan đã làm họ chú ý với những ca khúc pop. Họ ngạc nhiên bởi đó là thời mà nhắc đến TP.HCM người ta vẫn còn ám ảnh bởi chiến tranh, khái niệm nhạc ngoại dường như còn khá xa lạ và thủ đô nhạc pop của Đông Nam Á thời đó nằm ở Manila (Philippines), thế nhưng giữa Sài Gòn lại có Tuyết Loan, một người Việt hát nhạc Mỹ theo kiểu Mỹ.

Sau đó nhóm sản xuất này đã có một bài viết về Tuyết Loan trên báo Singapore và so sánh giọng ca của Tuyết Loan là hàng đầu Đông Nam Á. Họ tiếp tục mời chị sang Singapore thu âm đĩa nhạc TuyetLoan - Jazz lady of Vietnam gồm 10 ca khúc nổi tiếng của các tác giả Duke Ellington, George Gershwin... Đây cũng là đĩa nhạc đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của Tuyết Loan. Từ album đó nhiều phóng viên của một số báo nước ngoài đến TP.HCM cũng tìm gặp Tuyết Loan để viết bài về một hiện tượng âm nhạc đặc biệt của Việt Nam. Báo chí trong nước thường gọi chị là “nữ hoàng nhạc jazz”.

Hỏi chị cảm thấy thế nào với danh xưng “nữ hoàng nhạc jazz”, chị trả lời ngay rằng “nữ hoàng hay công chúa là tự người ta yêu mến trao tặng. Nữ hoàng tôi không có ngai, không có gì để giành giật. Thật sự tôi không quan tâm lắm!”.

Nghề hát với Tuyết Loan là niềm yêu thích, là cuộc mưu sinh và chị luôn đủ tỉnh táo để biết mình đứng ở vị trí nào trên sân khấu vốn muôn màu. Vì thế suốt 50 năm ca hát, lượng album của Tuyết Loan chưa hết đầu một bàn tay. Bởi chị xác định mình không phải là người nổi tiếng đủ để album phát hành bán được vèo vèo. “Tên tuổi tôi cứ tà tà trôi trên dòng đời như cành lục bình nên phát hành album không phải bán ào ào. Gần đây tôi mới làm album vì quả thực cuộc sống đã không còn chỉ mưu sinh, con cái tôi cho tiền để tôi làm album cho vui và bạn bè vui. Tôi hài lòng như vậy!” - Tuyết Loan chia sẻ.

QUỲNH TRANG

 

Thuở ấy có… jazz

Thuở ấy có… jazz gồm tám ca khúc, là những bản nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình lãng mạn nổi tiếng của các nhạc sĩ Văn Phụng, Đoàn Chuẩn, Lam Phương, Ngọc Bích, Thông Đạt, Huỳnh Anh, Lê Hựu Hà được hòa âm hoàn toàn theo phong cách jazz và được Tuyết Loan thể hiện theo cách hát rất riêng biệt của mình. Tuyết Loan biến những bài hát vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt trở thành những bản nhạc lạ lẫm khi cô pha trộn giữa loại jazz đặc Mỹ với kiểu hát phòng trà những năm 1960 cùng lối ngẫu hứng đầy dấu ấn cá nhân.

Album được hai nhạc sĩ kỳ cựu về jazz của TP.HCM là Vũ Trọng Hiếu và Phạm Kiên Hoài thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm